'Bốc thuốc' trị doanh nghiệp yếu

Vicem Hải Vân, Tam Điệp, Sông Thao là những doanh nghiệp nằm trong danh sách tiếp tục phải 'tìm thuốc chữa' của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) trong năm 2019.

Điểm danh doanh nghiệp sức yếu

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Bùi Hồng Minh, Tổng giám đốc Vicem cho biết, Vicem hiện có 10 doanh nghiệp sản xuất xi măng, với năng lực sản xuất trên 30 triệu tấn sản phẩm/năm. Trong số này, có 3 doanh nghiệp yếu, cần phải được tái cấu trúc tổng lực, là Vicem Hải Vân, Vicem Tam Điệp và Vicem Sông Thao.

Điểm chung của cả 3 doanh nghiệp trên là quy mô công suất nhỏ, hạn chế về thị trường, năng lực quản trị và năng lực tài chính yếu.

“Chúng tôi đã nhìn ra vấn đề của các doanh nghiệp để có hướng xử lý hiệu quả”, ông Minh cho biết.

Vicem Tam Điệp có công suất nhỏ, chỉ 1,5 triệu tấn/năm, khó dẫn dắt được thị trường nên tiêu thụ càng kém, lợi nhuận có, nhưng khó bứt lên được. “Phương án được đưa ra là sẽ giải quyết mọi việc một cách dứt khoát”, ông Minh nói.

Vicem Hải Vân cũng không khá hơn. Về với Vicem từ năm 2002, đã 16 năm trôi qua, nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp này chỉ quanh quẩn ở mức 20-30 tỷ đồng/năm. Lãnh đạo Vicem nhìn nhận, Hải Vân đã bỏ quên thị trường rất rộng lớn và có tiềm năng tăng trưởng tốt là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Trường hợp thứ ba là Sông Thao. Đây là doanh nghiệp thua lỗ, yếu kém được chuyển về Vicem, dù đã có nhiều cải thiện về sản xuất, kinh doanh, nhưng công cuộc tái cơ cấu vẫn chưa thể dừng lại.

Lợi nhuận trước thuế của Xi măng Sông Thao năm 2017 là 0,56 tỷ đồng. Năm 2018, lợi nhuận có thể đạt 30 tỷ đồng. Dòng tiền thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng năm của Xi măng Sông Thao tăng khoảng 50 tỷ đồng mỗi năm. Đến nay, Xi măng Sông Thao cũng đã trả được 96,8 tỷ đồng cho Quỹ Tích lũy trả nợ thuộc Bộ Tài chính.

Có thể nói, Vicem Sông Thao tạm thời đã đứng vững, đã có tiền trả được nợ, nhưng về tổng thể vẫn rất khó khăn và hành trình tái cơ cấu có vẻ còn dài.

Khó cạnh tranh vì quy mô nhỏ

Ngành xi măng đã có sự thay đổi đáng kể trong hơn 1 thập niên trở lại đây. Quy mô công suất ngành đã ở mức 100 triệu tấn, nhưng có thể huy động sản lượng trên 120 triệu tấn nhờ điều chỉnh tỷ lệ phụ gia.

Nhiều doanh nghiệp xi măng khối tư nhân đã xuất hiện như Xuân Thành, Vissai, Long Sơn, Thành Thắng… với năng lực sản xuất từ 5-15 triệu tấn/năm.

Bởi vậy, những doanh nghiệp xi măng nhỏ như Tam Điệp, Hạ Long, Sông Thao… rất khó cải thiện sức khỏe nếu không thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh.

Điều này cũng được ông Minh thừa nhận khi nói đến câu chuyện tái cơ cấu 3 doanh nghiệp này.

“Có 3 cái yếu. Một là, quy mô nhà máy quá bé. Hai là, thị trường, công nghệ. Ba là, quản trị khó tối ưu, quyết định lớn đều thua hết nên rất khó đi đường dài. Điều này tác động rất lớn đến hiệu quả hoạt động”, ông Minh thẳng thắn.

Tính toán của các doanh nghiệp làm xi măng, để cạnh tranh hiệu quả trong thị trường hiện nay, phương án tối ưu về công suất với một nhà máy xi măng là khoảng 5-6 triệu tấn.

Theo lãnh đạo Vicem, để đảm bảo phát triển bền vững, Tổng công ty phải có tăng trưởng. Như vậy, đi song song với mở rộng thêm năng lực nghiền xi măng, thì phải tăng trưởng theo chiều sâu, tăng doanh thu, tăng cơ cấu sản phẩm, tạo nên doanh thu cao hơn, năng suất cao hơn.

Song, một điểm khó nữa của Vicem trong năm 2019 là thách thức về lao động. Năm 2018, năng suất lao động tại các nhà máy đều tăng trên 10%, muốn hiệu quả phải tăng năng suất lao động. Nhưng, đây lại là trở ngại không nhỏ của nhà sản xuất xi măng có vốn Nhà nước như Vicem.

Năm 2019, Vicem đặt mục tiêu sản xuất và tiêu thụ 31 tấn sản phẩm (xi măng và clinker), tăng 6% so với năm 2018.

Doanh thu thuần đạt mức 40.000 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với thực hiện năm 2018. Lợi nhuận trước thuế phấn đấu tăng trưởng ít nhất 13%, đạt trên 33.200 tỷ đồng.

Thế Hải

Nguồn ĐTCK: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/vat-lieu/boc-thuoc-tri-doanh-nghiep-yeu-204941.html