Bốc thăm có phải là giải pháp căn cơ, lâu dài?

Dư luận xã hội đang đặt câu hỏi: Việc bốc thăm hay lựa chọn ngẫu nhiên một số cán bộ để xác minh tài sản, thu nhập có phải là giải pháp căn bản, lâu dài để thực hiện hiệu quả việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn hay không?

Hiện, không ít địa phương đã tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên hoặc lựa chọn một số cán bộ để tiến hành để xác minh tài sản, thu nhập. Đây là biện pháp nhằm hiện thực hóa quy định của pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn tại Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính.

Vấn đề đặt ra là, việc bốc thăm hay lựa chọn ngẫu nhiên một số cán bộ để xác minh tài sản, thu nhập có phải là giải pháp căn bản, lâu dài để thực hiện hiệu quả việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn hay không? Việc này có thể dẫn đến không khách quan trong việc chọn người có nghĩa vụ kê khai để xác minh tài sản, thu nhập; đồng thời, đối với địa phương có số người có nghĩa vụ kê khai thuộc diện lựa chọn ngẫu nhiên tương đối lớn thì Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ không đủ khả năng để tổ chức thực hiện.

Việc xác minh tài sản, thu nhập thông qua việc lựa chọn ngẫu nhiên chủ yếu dựa trên Bản kê khai, thu nhập của người có nghĩa kê khai. Với chế tài xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực khá nghiêm khắc như: Bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch,… nên người có nghĩa vụ kê khai không dám hoặc không muốn kê khai không trung thực hoặc giấu giếm tài sản, thu nhập. Cho nên, đối với tài sản được hình thành một cách hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng và không liên quan đến tham nhũng thì người có nghĩa kê khai sẵn sàng kê khai trung thực, không dám vi phạm.

Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Trong khi đó, đối với tài sản của người có nghĩa vụ kê khai có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực thì họ luôn tìm cách che giấu; để không bị phát hiện bằng cách để người thân, họ hàng, bạn bè giữ hộ hoặc đứng tên quyền sở hữu và thống nhất về việc che giấu tài sản, thu nhập tham nhũng, tiêu cực đó. Do đó, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập nếu chỉ xác minh dựa trên Bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thì khó có thể phát hiện sự không trung thực hoặc tài sản bất minh của người có nghĩa vụ kê khai.

Để phát hiện tài sản bất minh và không trung thực trong các Bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai, ngoài việc lựa chọn ngẫu nhiên để xác minh tài sản, thu nhập thì cần phải đa dạng các hình thức công khai, minh bạch đối với Bản kê khai tài sản, thu nhập.

Không chỉ dừng lại với các hình thức công khai theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng mà cần phải công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập trên Cổng/Trang thông tin điện tử hoặc niêm yết thường xuyên tại trụ sở cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú; đồng thời, phải có cơ chế tiếp nhận và xử lý đối với đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và tố giác về các hành vi vi phạm hoặc tội phạm trong việc kê khai tài sản, thu nhập.

Minh Đức

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-ban-phap-luat/boc-tham-co-phai-la-giai-phap-can-co-lau-dai--i300376/