Bóc gỡ đường dây vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng biển Tiên Sa

Thời gian gần đây, lợi dụng sự thông thoáng trong chính sách xuất, nhập khẩu, một số đối tượng đã đăng ký thành lập công ty nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam, nhưng gian lận trong khai báo thủ tục hải quan nhằm trốn thuế và trục lợi. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Trung (Đoàn 2), Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP đã chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng điều tra 2 công ty 'ma' vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng biển Tiên Sa, Đà Nẵng.

Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh BĐBP tại buổi kiểm tra hàng hóa trong 2 container bị tạm giữ. Ảnh: Viết Hà

Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh BĐBP tại buổi kiểm tra hàng hóa trong 2 container bị tạm giữ. Ảnh: Viết Hà

Lập công ty "ma" để phạm pháp

Qua các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát của Đoàn 2 phát hiện có 1 nhóm đối tượng sử dụng pháp nhân của Công ty TNHH Thiên Phú Thành Phát (gọi tắt là Công ty Thiên Phú Thành Phát) và Công ty TNHH thương mại và dịch vụ SUNSET (gọi tắt là Công ty SUNSET) để vận chuyển trái phép hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam qua cảng biển Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng. Chúng sử dụng thủ đoạn cho hàng hóa (hàng nhập khẩu có điều kiện, hàng cấm nhập, hàng tạm dừng nhập khẩu) vào các container, sau đó vận chuyển về Việt Nam bằng đường biển, tập kết tại cảng biển Tiên Sa.

Trước đó, các đối tượng đã thành lập các doanh nghiệp “ma” để khai báo thủ tục hải quan, sử dụng các mã HS (mã hàng hóa xuất, nhập khẩu) là loại hàng hóa thông thường, khi khai báo, hệ thống sẽ phân luồng vàng hoặc xanh để thuận lợi cho việc thông quan, tránh bị cơ quan chức năng phát hiện. Trong trường hợp khi container vào vị trí tại cảng (đã khai báo E-manifet) nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, các đối tượng sẽ làm thủ tục từ chối nhận hàng với lý do gửi nhầm để tránh bị xử lý. Trước tình hình trên, Đoàn 2 đã báo cáo Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP và xây dựng kế hoạch đấu tranh với loại tội phạm này.

Ngày 26-11-2020, Đoàn 2 nhận được thông tin: Trong số container trên tàu hàng từ cảng Singapore đến trả hàng tại cảng Tiên Sa ngày 25-11, có container chứa hàng nhập khẩu có điều kiện (mỹ phẩm) và hàng cấm nhập (đã qua sử dụng), nhưng lô hàng trên được chủ hàng khai báo hải quan là nước giặt và nước xả vải. Đoàn 2 đã trao đổi, thống nhất với Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP Đà Nẵng triển khai lực lượng giám sát, đồng thời tổng hợp tình hình, báo cáo Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP, đề xuất kiểm tra phương tiện khi lô hàng được thông quan và container được vận chuyển ra khỏi khu vực cảng Tiên Sa.

Lúc 21 giờ ngày 26-11-2020, tại khu vực đối diện cổng cảng Đà Nẵng (đường Yết Kiêu, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), Đoàn 2 chủ trì, phối hợp với Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng (BĐBP Đà Nẵng) tiến hành kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 43C- 031.32 chở container số hiệu MEDU8201046 do Huỳnh Lê Phát (sinh năm 1989, trú tại tỉnh Quảng Nam) điều khiển.

Tiếp đó, lúc 8 giờ 5 phút ngày 27-11-2020, tại khu vực trước cổng Lữ đoàn 172, Vùng 3 Hải quân (đường Yết Kiêu, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng), Đoàn 2 tiếp tục chủ trì, phối hợp với Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng kiểm tra ô tô biển kiểm soát 43C 220.02 chở container BEAU 5172186 do Nguyễn Văn Chánh (sinh năm 1985, trú tại tỉnh Quảng Nam) điều khiển.

Tại thời điểm kiểm tra, cả 2 lái xe Huỳnh Lê Phát và Nguyễn Văn Chánh đều không xuất trình được giấy tờ, thủ tục liên quan đến lô hàng mình đang vận chuyển. Qua truy xuất, lực lượng chức năng xác định 2 container hàng trên là của Công ty Thiên Phú Thành Phát và Công ty SUNSET.

Những điều bất ngờ...

Theo nội dung tờ khai hải quan, hàng hóa trong container MEDU 8201046 và BEAU 5172186 là nước giặt và nước xả vải, tổng trị giá hàng hóa là 332 triệu đồng. Tuy nhiên, khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong 2 container lại là các mặt hàng hoàn toàn không trùng khớp với tờ khai hải quan. Tất cả đều là hàng cấm nhập khẩu và nhập khẩu có điều kiện với thuế suất cao hơn nhiều so với mặt hàng kê khai.

Hàng hóa chứa trong container MEDU 8201046, gồm 8 mặt hàng, bao gồm: bông tẩy trang, nước tẩy trang, sữa tắm, kem dưỡng da, dầu gội đầu, dung dịch vệ sinh phụ nữ, nước tẩy da chết và sữa rửa mặt. Hàng hóa chứa trong container BEAU 5172186, gồm 22 loại mặt hàng liên quan đến thực phẩm chức năng, thuốc, mỹ phẩm, rượu và mặt hàng đã qua sử dụng là xe đạp cũ, la- zăng ô tô.

Cán bộ Đoàn 2 và Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng kiểm tra giấy tờ vận chuyển hàng hóa của lái xe Huỳnh Lê Phát. Ảnh: Trúc Hà

Điều đáng nói, tại địa chỉ của Công ty Thiên Phú Thành Phát không có bất kì 1 công ty nào hoạt động, nhưng có tới 7 công ty gắn biển ở ngoài cửa. Tương tự, tại địa chỉ đã đăng ký của Công ty SUNSET, chủ nhà khẳng định: “Ở đây không có công ty nào tên SUNSET hoạt động”.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Thiên Phát thành Phú đăng ký hoạt động từ tháng 3-2020, thực hiện nhiều hoạt động nhập khẩu nhưng không phát sinh hoạt động mua bán. Công ty SUNSET đăng ký hoạt động từ 9-2020, trong quý 3 năm 2020 có kê khai thuế điện tử thế nhưng không phát sinh hoạt động mua bán trong kỳ.

Càng bất ngờ hơn khi người đại diện pháp luật của Công ty Thiên Phú Thành Phát là Trần Hữu Lang đã chuyển hộ khẩu từ thành phố Hồ Chí Minh về tỉnh Bến Tre từ ngày 9-3-2018. Đối với người đại diện pháp luật của Công ty SUNSET là Phạm Văn Thuận thì không ai có thể liên lạc được.

Theo vợ của Phạm Văn Thuận, trước đây, Thuận nghiện ma túy và có 2 tiền án. Hiện nay, Thuận đang nghiện rất nặng và bỏ nhà đi khoảng 1 tháng nay, điện thoại không liên lạc được. Việc đăng ký kinh doanh trước đây, cả Lang và Thuận không trực tiếp đi làm mà ủy quyền cho người khác thực hiện.

Tại buổi làm việc với Đoàn 2 và BĐBP Đà Nẵng về việc xử lý 2 container của Công ty Thiên Phú Thành Phát, Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh BĐBP yêu cầu, các đơn vị cần điều tra để làm rõ chiêu trò của các đối tượng lập công ty “ma” để buôn lậu, gian lận thương mại. Đồng thời, tiến hành rà soát các văn bản pháp luật hiện hành, phát hiện vướng mắc, tạo khe hở cho doanh nghiệp “lách luật” để buôn lậu, gian lận thương mại; tham mưu cho Bộ Tư lệnh BĐBP đề nghị Bộ Quốc phòng và Chính phủ chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, góp phần phòng, chống có hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thướng mại…

Trúc Hà - Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/boc-go-duong-day-van-chuyen-trai-phep-hang-hoa-qua-cang-bien-tien-sa-post436167.html