Bộ Y tế yêu cầu làm rõ việc Đại học Y Dược TP.HCM tăng học phí đột biến gấp 5 lần

Theo ông Ngô Vũ Thắng, thời điểm trường Đại học Y Dược TP.HCM công bố mức học phí mới, Bộ Y tế không hề nhận được thông báo.

Những ngày qua, thông tin Đại học Y Dược TP.HCM công bố mức học phí năm học 2020 - 2021 có nhiều ngành học tăng gấp 4 đến 5 lần so với năm 2019 gây xôn xao dư luận.

Cụ thể, ngành Răng - hàm - mặt 70 triệu đồng/năm, Y khoa 68 triệu đồng/năm, Kỹ thuật phục hình răng 55 triệu đồng/năm, Dược học 50 triệu đồng/năm... Các ngành có mức học phí thấp nhất là 30 triệu đồng/năm. Nhà trường cũng cho biết mức học phí các năm tiếp theo dự kiến mỗi năm tăng thêm 10%.

Trường Đại học Y dược TP.HCM tư vấn chính sách hỗ trợ học phí cho tân sinh viên khóa 2019. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Trường Đại học Y dược TP.HCM tư vấn chính sách hỗ trợ học phí cho tân sinh viên khóa 2019. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Trao đổi với báo VietNamNet, ông Ngô Vũ Thắng, Trưởng phòng Tài chính sự nghiệp, Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết, trường Đại học Y Dược TP.HCM là 1 trong 11 trường đào tạo y, dược trực thuộc Bộ Y tế. Đây là đơn vị duy nhất bắt đầu thực hiện tự chủ từ năm 2020. Tuy nhiên, thời điểm trường công bố mức học phí mới, Bộ không hề nhận được thông báo.

“Ngay trong sáng nay, chúng tôi sẽ có văn bản gửi Bộ GD&ĐT để làm rõ xem các trường được tự chủ chi thường xuyên xây dựng học phí thế nào, có cần khống chế mức trần không?”, ông Thắng thông tin.

Theo ông Thắng, bản thân ông nắm thông tin qua báo chí, ngay sau đó đã gọi điện cho trường hỏi cụ thể, nhận được câu trả lời rằng trường xây dựng giá học phí mới theo luật Giáo dục đại học sửa đổi. Bảng giá này đã được Hội đồng nhà trường thông qua.

Ông cũng đã yêu cầu trường gửi bảng định mức kinh tế khi xây dựng giá từng ngành học nhưng hiện vẫn chưa nhận được.

“Giờ chúng tôi chưa thể đánh giá mức học phí như vậy có hợp lý không. Vì để xây dựng giá học phí phải căn cứ vào định mức kinh tế kĩ thuật nhưng hiện chưa có bảng đó nên không biết cụ thể họ xây dựng trên cơ sở nào, kết cấu gồm những gì”, ông Thắng nói.

Mặc dù vậy, trưởng phòng Tài chính sự nghiệp của Bộ Y tế đánh giá, mức tăng gấp 4-5 lần sau 1 năm là quá cao, nếu tăng cần có lộ trình phù hợp.

“Tăng một lúc quá nhiều sẽ khiến rất nhiều học sinh thuộc nhóm đối tượng không đến mức nghèo để được hỗ trợ bị chơi vơi, không có cơ hội học tập. Với mức học phí 70 triệu đồng/năm, mỗi học sinh sẽ phải mất ít nhất hơn 10 triệu đồng/tháng để sống tối thiểu, chưa tính tiền mua sắm tài liệu, giáo trình”, ông Thắng nói.

Ông Thắng cho hay, hiện các cơ sở giáo dục xây dựng giá học phí theo Thông tư 14 của Bộ GD&ĐT, quy định chi tiết định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ đào tạo.

Trong đó có 2 loại hình: Thứ nhất, các trường sử dụng ngân sách nhà nước, sẽ áp theo định mức kĩ thuật do Bộ GD&ĐT ban hành, trên cơ sở đó các trường xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị mình nhưng không được vượt quá mức trần.

Thứ hai, các trường thực hiện tự chủ chi thường xuyên sẽ tự xây dựng mức giá trên cơ sở định mức kinh tế kĩ thuật do trường ban hành.

Khi đó, nhiều trường tự chủ dù cùng ngành học nhưng có thể sẽ có nhiều mức học phí khác nhau do cách đào tạo, cơ sở vật chất… khác nhau.

Theo thông tư 14, chi phí đào tạo trực tiếp chiếm 62%, trong đó tiền lương chiếm 33%; chi phí quản lý, chi phí gián tiếp chiếm 25%, còn lại là chi phí cho thu nhập tăng thêm, phúc lợi lễ tết, các quỹ…

Theo báo Tuổi trẻ, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, trưởng phòng đào tạo trường Đại học Y dược TP.HCM cho biết năm học tới trường sẽ thực hiện tự chủ tài chính. Khi trường tự chủ phải thu mức học phí mới như vừa công bố mới đủ chi phí đào tạo.

"Trường hiện đã không còn được Nhà nước cấp ngân sách, nên với mức học phí 13 triệu đồng/năm sẽ không đào tạo được. Các lớp cũ vẫn theo lộ trình cũ", ông Khôi cho hay.

Giải thích mức tăng "khủng" của ngành răng hàm mặt, ông Khôi nói ngành này từ trước đến nay trường luôn phải bù lỗ rất nhiều. Do đó, dù năng lực đào tạo rất lớn nhưng trường không dám tăng chỉ tiêu tuyển sinh.

Hiện nay, mỗi sinh viên răng hàm mặt của trường được thực hành trên một ghế răng. Các vật dụng, nguyên vật liệu thực hành ngành này khá nhiều và không thể tận dụng lại được nên chỉ sử dụng được một lần rồi bỏ, do vậy chi phí rất lớn.

Cũng theo ông Khôi, trường dự kiến ngay trong năm đầu tiên sẽ trích 15% tổng thu học phí để cấp học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Dự kiến khoảng 80 tân sinh viên sẽ được nhận học bổng này.

Học phí ngành y được tăng mạnh

Không chỉ Trường Đại học Y TP.HCM mà nhiều trường khác cũng có học mức học phí cao.

Từ năm 2019, khoa y - Đại học Quốc gia TP.HCM đào tạo ba ngành y khoa, răng hàm mặt và dược học chất lượng cao nên học phí khá cao so với mặt bằng chung các trường công lập đào tạo nhóm ngành sức khỏe. Năm nay, học phí khoa này tiếp tục tăng so với khóa tuyển sinh 2019.

Cụ thể, ngành răng hàm mặt 88 triệu đồng/năm học (tăng 8 triệu đồng), y khoa 60 triệu đồng (tăng 4 triệu đồng) và dược học 55 triệu đồng...

Trường Đại học Y dược Cần Thơ công bố học phí khóa năm 2020 theo đề án tự chủ của chương trình đại trà cũng tăng lên 24,6 triệu đồng.

Không chỉ y dược, một số ngành khác cũng rục rịch tăng học phí.

Cụ thể năm học 2020-2021, chương trình đại trà Trường Đại học Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa công bố học phí 20 triệu đồng/năm học, chương trình chất lượng cao 35 triệu đồng, chương trình tiên tiến 40 triệu đồng. Trường cũng công bố lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm đối với chương trình đại trà năm học 2021-2022 là 22 triệu đồng, 2022-2023 là 24 triệu đồng và 2023-2024 là 26 triệu đồng.

Tương tự, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) công bố học phí 35 nhóm ngành/ngành chương trình đại trà, dạy bằng tiếng Việt, khoảng 6 triệu đồng/học kỳ (tối đa 17 tín chỉ, tăng 700.000 đồng so với khóa tuyển sinh năm trước). Chương trình chất lượng cao, tiên tiến, liên kết quốc tế (chưa kể học kỳ pre-university) 30 triệu đồng/học kỳ (tối đa 17 tín chỉ, không tăng so với năm trước).

Trong khi đó, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM công bố mức học phí dự kiến chương trình đại trà 17,5 - 19,5 triệu đồng/năm (tăng 1 triệu đồng), chất lượng cao tiếng Việt 28 - 30 triệu đồng/năm (tăng 1 - 2 triệu đồng), chất lượng cao tiếng Anh 32 triệu đồng/năm (tăng 2 triệu đồng), chất lượng cao tiếng Việt - Nhật 32 triệu đồng/năm.

Trường Đại học Luật TP.HCM công bố mức học phí năm học 2020-2021: lớp đại trà 18 triệu đồng, lớp Anh văn pháp lý 36 triệu đồng, lớp chất lượng cao ngành luật và ngành quản trị kinh doanh 45 triệu đồng, lớp chất lượng cao ngành quản trị - luật 49,5 triệu đồng.

Trường Đại học Tài chính - marketing công bố học phí năm học 2020-2021 đối với chương trình đại trà là 18,5 triệu đồng/năm học; chương trình đặc thù: khoa du lịch 22 triệu đồng, khoa công nghệ thông tin 19,5 triệu đồng; chương trình chất lượng cao 36,3 triệu đồng, chương trình quốc tế 55 triệu đồng...

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.nguoiduatin.vn/bo-y-te-yeu-cau-lam-ro-viec-dai-hoc-y-duoc-tp-hcm-tang-hoc-phi-dot-bien-gap-5-lan-70263.html