Bộ Y tế: Tuyệt đối không tự ý dùng bia giải độc rượu

Bộ Y tế khuyến cáo tuyệt đối không được tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc rượu.

Liên quan đến thông tin một bệnh nhân bị ngộ độc rượu đã được các bác sĩ tại BV Đa khoa tỉnh Quảng Trị cứu sống bằng cách truyền 15 lon bia, nhiều người cho rằng khi bị ngộ độc rượu nặng có thể tự uống bia giải độc.

Chiều 11-1, Bộ Y tế đã có thông tin chính thức về vấn đề này. Theo hướng dẫn xử trí ngộ độc methanol của Bộ Y tế, lọc máu cấp cứu là biện pháp quan trọng hàng đầu và quyết định việc đào thải methanol ra khỏi cơ thể người bệnh.

Ngoài ra, trong quá trình lọc máu thải độc, ethanol cũng có thể được sử dụng theo đường tiêu hóa để tranh chấp chuyển hóa với methanol có trong máu.

Tuy nhiên, biện pháp hỗ trợ này chỉ có thể tạm thời trì hoãn việc chuyển hóa methanol thành các độc chất (axit formic và format) gây hại cho người bệnh. Việc này phải được thực hiện, theo dõi tại cơ sở y tế có đủ điều kiện, theo hướng dẫn chuyên môn và chỉ định của bác sĩ.

Bệnh nhân Nguyễn Văn N. được truyền gần năm lít bia để giải ngộ độc rượu.

Bệnh nhân Nguyễn Văn N. được truyền gần năm lít bia để giải ngộ độc rượu.

Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng rượu, bia có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Người dân nên hạn chế sử dụng.

Khi nghi ngờ có dấu hiệu ngộ độc do uống rượu, bia, cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế để được xử trí, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc do uống rượu, bia gây ra, không phải cứ uống bia vào là giải độc được rượu. Nếu đã ngộ độc ethanol (có trong rượu, bia) mà vẫn tiếp tục uống rượu, bia (có ethanol) thì mức độ ngộ độc càng nghiêm trọng.

Cạnh đó, người dân tuyệt đối không uống những loại rượu, bia không rõ nguồn gốc, rượu, bia giả vì có thể chứa methanol.

Trước đó, báo cáo nhanh của BV đa khoa tỉnh Quảng Trị, trong hai ngày 24 và 25-12-2018, BV lần lượt tiếp nhận ba bệnh nhân là Lê Văn X. (64 tuổi), Nguyễn Văn N. (47 tuổi) và Lê Văn T. (24 tuổi) đều thường trú tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Cả ba người cùng dự liên hoan vào chiều ngày 23-12-2018 và cùng uống chung một loại rượu. Triệu chứng ban đầu là đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, đau đầu, mệt mỏi, sau đó vật vã kích thích, hôn mê, rối loạn hộ hấp, suy hô hấp, thở yếu, suy tuần hoàn, nhìn mờ.

Bộ Y tế khuyến cáo tuyệt đối không được tự ý dùng bia để giải độc rượu.

Bệnh nhân Lê Văn X. được chẩn đoán choáng nhiễm độc từ đường tiêu hóa, nghi ngờ do ngộ độc methanol, chuyển bệnh viện Trung ương Huế điều trị vào lúc 5 giờ 30 phút ngày 25-12-2018 do bệnh tiên lượng rất nặng. Bệnh nhân Nguyễn Văn N. và Lê Văn T. được chẩn đoán theo dõi ngộ độc methanol.

Trường hợp bệnh nhân N. có hàm lượng methanol trong máu là 2.100 mg/lít, vượt hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc. BV đã tiến hành xử trí theo phác đồ điều trị ngộ độc methanol của Bộ Y tế, kiểm soát đường thở, hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn và lọc máu cấp cứu để thải độc methanol.

Bên cạnh đó, trong quá trình lọc máu thải độc, các bác sĩ đã sử dụng các biện pháp hỗ trợ khác, một trong số đó là truyền bia (có ethanol) vào dạ dày qua ống thông. Sau chín ngày điều trị, bệnh nhân bình phục hoàn toàn và xuất viện ngày 2-1.

Sáng 25-12-2018, bệnh nhân Nguyễn Văn N. (48 tuổi, trú Triệu Độ, Triệu Phong, Quảng Trị) nhập viện sáng 25-12-2018 trong tình trạng hôn mê, xuất hiện các triệu chứng bất thường hết sức nguy kịch.

Tại BV Đa khoa tỉnh Quảng Trị, các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm khí máu, soi đáy mắt, chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc methanol có trong rượu. Để cứu sống bệnh nhân, bác sĩ truyền ba lon bia, tức gần một lít, vào đường tiêu hóa của bệnh nhân.

Mỗi giờ tiếp theo, bệnh nhân được truyền thêm một lon bia. Sau khi truyền tổng cộng 15 lon bia, tức gần năm lít, bệnh nhân N. dần bình phục, tỉnh táo.

H.PHƯỢNG - T.PHAN

Nguồn PLO: http://plo.vn/suc-khoe/bo-y-te-tuyet-doi-khong-tu-y-dung-bia-giai-doc-ruou-812521.html