Bộ Y tế Tổng kết thực hiện đề án 'Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam'

Với 4 giải pháp nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020, tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 22% ở tuyến Trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 75% ở tuyến huyện.

Ngày 18/7/2019, Bộ Y tế đã tổ chức Tổng kết thực hiện đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”.

Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Thông báo số 264 - TB/TW ngày 31/7/2009 của Ban chấp hành Trung ương Đảng thông báo kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bộ Y tế đã ban hành danh mục 640 thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu giá trị, giá thuốc và khả năng cung ứng, không mua thuốc nhập khẩu nếu trong nước đã sản xuất được cùng loại. Ảnh: Tùng Dương.

Bộ Y tế đã ban hành danh mục 640 thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu giá trị, giá thuốc và khả năng cung ứng, không mua thuốc nhập khẩu nếu trong nước đã sản xuất được cùng loại. Ảnh: Tùng Dương.

Với nhiều sáng tạo trong cách thức triển khai, 10 năm qua ngành y tế đã đồng hành cùng Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động các cấp Bộ, ngành ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Sở Y tế, các doanh nghiệp dược, các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ quan thông tin truyền thông cùng chung tay hành động, góp phần quan trọng làm chuyển biến ý thức người tiêu dùng.

Doanh nghiệp và cán bộ y tế đã tạo nên diện mạo mới của ngành dược Việt Nam, trong đó thuốc sản xuất trong nước được sử dụng ngày càng tăng về số lượng, giá trị và được đánh giá cao về chất lượng, an toàn, hiệu quả.

Nhằm đạt mục tiêu đặt ra trong Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” là đến năm 2020, tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 22% ở tuyến Trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 75% ở tuyến huyện.

Bộ Y tế đã đề ra 04 nhóm giải pháp cơ bản: Giải pháp về cơ chế chính sách; Giải pháp đối với cơ sở y tế và thầy thuốc; Giải pháp đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc; Các giải pháp về truyền thông.

Về cơ chế chính sách, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để trình Quốc Hội, Chính phủ ban hành các văn bản trong đó có đưa các nội dung, quy định theo hương ưu tiên thuốc sản xuất trong nước như Luật Dược sửa đổi năm 2016.

Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật đấu thầu, chiến lược Quốc gia về phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 như ưu tiên trong việc đầu tư, nâng cấp nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP của các nước phát triển.

Ưu tiên trong hoạt động cấp giấy đăng kí lưu hành đối với các thuốc ít số đăng kí, dạng bào chế đặc biệt, thuốc chuyên khoa, đặc trị, thuốc chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam, thuốc có báo cáo tương đương sinh học, đặc biệt là ưu tiên trong đấu thầu, cung ứng thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập.

Theo báo cáo, năm 2018 tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc trong nước ở tuyến huyện đã tăng lên 76,62%, tuyến tỉnh tăng lên 57,03%, nếu tính cả tuyến tỉnh và huyện thì tỷ lệ tăng là 63,53%. Ảnh: TTXVN.

Bộ Y tế đã ban hành danh mục 640 thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu giá trị, giá thuốc và khả năng cung ứng, không mua thuốc nhập khẩu nếu trong nước đã sản xuất được cùng loại.

Thuốc sản xuất trong nước được phân nhóm để được đấu thầu riêng, đồng thời được tham gia tất cả các nhóm đấu thầu khác khi đáp ứng các tiêu chí kĩ thuật. Với chính sách này, trong tương lai gần thuốc sản xuất tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ.

Về phía các cơ sở y tế và thầy thuốc, việc triển khai đề án đã được lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, các Sở Y tế, các bệnh viện quan tâm, chỉ đạo sát sao.

Tại nhiều bệnh viện, lãnh đạo bệnh viện chỉ đạo xây dựng danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc sử dụng tại bệnh viện với chính sách ưu tiên thuốc sản xuất trong nước.

Nhiều địa phương, bệnh viện đạt kết quả ấn tượng về sử dụng thuốc sản xuất trong nước và đã đạt mục tiêu của đề án.

Theo báo cáo, năm 2018 tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc trong nước ở tuyến huyện đã tăng lên 76,62%, tuyến tỉnh tăng lên 57,03%, nếu tính cả tuyến tỉnh và huyện thì tỷ lệ tăng là 63,53%.

Trên 50% các tỉnh đạt tỷ lệ từ 50% trở lên về giá trị sử dụng thuốc trong nước.

Ví dụ: Giá trị sử dụng thuốc trong nước trên toàn tỉnh Phú Yên trong hệ thống khám chữa bệnh công lập chiếm tỷ lệ từ 83,13% năm 2015 tăng lên 87% năm 2018.

Theo báo cáo của các Sở Y tế Quảng Bình, Tuyên Quang, Kon Tum, Hậu Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Long An có tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước chiếm từ 70% đến 76,9% trên tổng giá trị sử dụng thuốc trong năm 2018.

Nhiều bệnh viện tuyến Trung ương đạt tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước cao và đạt mục tiêu đề ra, như bệnh viện Trung ương 71 Thanh Hóa, bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, bệnh viện C Đà Nẵng.

Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh viện Phong da liễu Trung ương Quy Hòa…đều đạt tỷ lệ từ 30,43% đến 52,8% về giá trị sử dụng thuốc sản xuất trong nước trên tổng giá trị sử dụng trong năm 2018.

Về phía các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước, trong thời gian qua đã không ngừng nỗ lực áp dụng kĩ thuật - công nghệ cao trong sản xuất dược phẩm.

Không ngừng nâng cao chất lượng để đưa ra thị trường các sản phẩm thuốc có hiệu quả điều trị cao, được chứng minh tương đương sinh học với các biệt dược gốc, sản xuất các sản phẩm dạng bào chế hiện đại, sản xuất các thuốc chuyên khoa đặc trị.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đã liên tục cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm thuốc, bảo đảm chất lượng và thẩm mĩ, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập.

Các số liệu báo cáo cho thấy, thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân, sản xuất 12/13 loại vác xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Hiện cả nước có 198 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới, 11 nhà máy đã đầu tư và đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như tiêu chuẩn của Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, PIC/S.

Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng đầy đủ 27 nhóm tác dụng dược lí theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Có 652 loại thuốc trong nước đã được công bố chứng minh tương đương sinh học so với thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh.

Ngành y tế đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ ngành y tế và người dân thông qua nhiều hoạt động, như tổ chức các buổi tọa đàm, xây dựng phóng sự…trên các kênh phát thanh, truyền hình với chủ đề “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”.

Giới thiệu những chủ trương chính sách, các sản phẩm thuốc, nhà máy, dây chuyền, công nghệ sản xuất thuốc của các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn “thực hành tốt” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Tăng sự hiểu biết cho người dân, cán bộ y tế về thuốc Việt Nam, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc an toàn, hợp lí, thuốc sản xuất tại Việt Nam đảm bảo hiệu quả điều trị, bảo đảm chất lượng và giá thành rẻ hơn thuốc ngoại nhập.

Từ năm 2014, Bộ Y tế đã phối hợp các đơn vị liên quan, xây dựng, triển khai chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt”, đã lựa chọn 30 doanh nghiệp, 62 sản phẩm thuốc tiêu biểu của Việt Nam đạt giải thưởng “Ngôi sao thuốc Việt” lần 1 để vinh danh, giới thiệu trên truyền thông.

Để tiếp nối thành công và tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, trong thời gian tới, Bộ Y tế đã phát động chương trình “Ngôi sao thuốc Việt” lần thứ 2.

Tùng Dương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/suc-khoe-hoc-duong/bo-y-te-tong-ket-thuc-hien-de-an-nguoi-viet-nam-uu-tien-dung-thuoc-viet-nam-post200602.gd