Bộ Y tế tiêm vắc xin cúm mùa cho gần 21.000 nhân viên y tế

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết vừa triển khai tiêm vắc xin cúm mùa cho 20.988 nhân viên y tế tại 153 cơ sở y tế của 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đắc Lắk; tỷ lệ tiêm chủng đạt mục tiêu đề ra là 90%.

Dự kiến đến năm 2020, Bộ Y tế tiếp tục mở rộng triển khai tiêm vắc xin cúm mùa cho nhân viên y tế tại 24 tỉnh, thành phố, sử dụng vắc xin cúm mùa do Việt Nam sản xuất đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành.

Đây là một chương trình hiệu quả nhằm tạo miễn dịch bảo vệ phòng bệnh cúm mùa cho các nhân viên y tế, hỗ trợ cho việc chuẩn bị sẵn sàng phòng chống đại dịch nếu có, đồng thời cũng tạo điều kiện phát triển sản xuất vắc xin trong nước nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân Việt Nam.

Cúm mùa là bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính, có thể xảy ra ở nhiều mức độ như đại dịch, dịch, dịch nhỏ địa phương và các trường hợp tản phát. Hàng năm, trên thế giới có khoảng 20-30% trẻ em và 5-10% người lớn mắc bệnh cúm; trung bình các vụ dịch cúm gây bệnh cho khoảng 500-800 triệu người/năm, trong đó khoảng 5 triệu trường hợp bị bệnh cúm nặng và 250.000 - 500.000 trường hợp tử vong.

Tại Việt Nam, hàng năm ghi nhận 1,6-1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm. Sử dụng vắc xin cúm là biện pháp dự phòng hiệu quả làm giảm 89% nguy cơ lây nhiễm cúm ở người khỏe mạnh, 78% số ngày nghỉ việc ở những người có độ tuổi làm việc, giảm 57% nguy cơ nhập viện và 67% nguy cơ tử vong ở tuổi già, giảm 85% nguy cơ bị hội chứng cúm và giảm 41% nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, những người có nguy cơ cao mắc bệnh cúm mùa bao gồm: phụ nữ đang mang thai, người cao tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, người mắc bệnh mạn tính, nhân viên y tế. Nhóm nhân viên y tế là một trong số các nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cúm cao nhất và cũng là một trong những mắt xích liên quan đến việc lây truyền vi rút cúm sang nhóm bệnh nhân được họ chăm sóc và điều trị.

Các chuyên gia cho biết, vắc xin cúm mùa với các chủng vi rút cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B đã được sử dụng tại Việt Nam nhiều năm nay thông qua hình thức tiêm chủng tự nguyện do người dân tự chi trả. Số lượng vắc xin sử dụng hàng năm ngày càng tăng nhưng vẫn còn bộ phận lớn người dân và nhân viên y tế còn dè dặt do cho rằng bệnh cúm không phải là bệnh nguy hiểm cũng như quan niệm sai lầm về tính an toàn và hiệu quả của vắc xin.

Chương trình hợp tác giới thiệu sử dụng vắc xin cúm (PIVI) do Trung tâm dự phòng, kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ và nhóm hành động vì sức khỏe toàn cầu (TFGH) bắt đầu hoạt động từ năm 2011 đến nay đã có 9 quốc gia tham gia với hơn 3 triệu liều vắc xin cúm mùa được cung ứng. Việt Nam là một trong những nước được PIVI hỗ trợ vắc xin cúm miễn phí để tiêm cho đối tượng nguy cơ cao.

Trên cơ sở khuyến cáo của Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin và sinh phẩm y tế của Bộ Y tế, ngày 11/5/2018, Bộ Y tế có Quyết định số 2893/QĐ–BYT về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng vắc xin cúm mùa cho nhân viên y tế tại một số tỉnh, thành phố năm 2019 – 2020. Thực hiện kế hoạch nêu trên, năm 2019, PIVI đã hỗ trợ Việt Nam 21.000 liều vắc xin Vaxigrip của Nhà sản xuất Sanofi Pasteur để triển khai tiêm chủng cho nhân viên y tế tại 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắc Lắc.

Công tác tiêm chủng được đảm bảo an toàn theo các quy định của Bộ Y tế, không ghi nhận trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng mà chỉ có 552 trường hợp phản ứng thông thường (đa số là sưng đau tại chỗ tiêm). Kiến thức về bệnh cúm cũng như tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin cúm mùa của nhân viên y tế cũng được nâng cao qua các hoạt động truyền thông trong khuôn khổ kế hoạch này.

PV (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/suc-khoe/bo-y-te-tiem-vac-xin-cum-mua-cho-gan-21000-nhan-vien-y-te-20191115162852623.htm