Bộ Y tế thông tin 30 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh ngày 30/3

Những bệnh nhân này điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và bệnh viện dã chiến Củ Chi, TPHCM.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh có 27 bệnh nhân công bố khỏi bệnh bao gồm: BN 17, BN 29, BN 27, BN 25, BN 39, BN 46, BN 47, BN 51, BN 55, BN 56, BN 58, BN 59, BN 60, BN 62, BN 69, BN 70, BN71, BN 77, NB 85, BN 88, BN 93, BN 110, BN 112, BN 113, BN 130, NB 140, BN 187.

Tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi, TPHCM có 3 bệnh nhân công bố khỏi bệnh, bao gồm: BN 53, BN 75 và BN 89.

Các trường hợp trên sẽ tiếp tục được địa phương cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Riêng trường hợp BN 187, thông tin chi tiết như sau: BN 187 được xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 ngày 22/3. Ngày 25/3 bệnh nhân nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân tiếp tục được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm có kết quả âm tính lần 1 vào ngày 25/3 và lần 2 là ngày 28/3. Vì vậy, ngày 30/3, bệnh nhân đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.

Bên cạnh đó sức khỏe 4 bệnh nhân nặng đã có tiến triển tốt hơn, đó là BN 26 đã bỏ máy thở, rút nội khí quản; 3 bệnh nhân còn lại tình trạng ổn định, (trong đó có 1 ca ECMO và 2 ca thở máy) tiến triển tốt lên. 4 Nhân viên y tế gồm 2 bác sĩ của bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung tâm và 2 điều dưỡng bệnh viện Bạch Mai tình trạng sức khỏe ổn định.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, đây là thành công của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 và toàn ngành y tế, đồng thời là nỗ lực của Tiểu ban điều trị, tổ hội chẩn chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh COVID-19 diễn biến nặng, nguy kịch và các cán bộ y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Dã chiến Chủ Chi.

Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Tiểu ban Điều trị đề xuất Ban Chỉ đạo Quốc gia thưởng nóng 500 triệu đồng cho BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Hiện có 22 bệnh viện, Trung tâm y tế trên cả nước, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Cũng trong Hội nghị nâng cao chất lượng y tế cơ sở trong công tác phòng chống dịch COVID-19 diễn ra sáng nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, việc lây truyền dịch bệnh này phụ thuộc 3 yếu tố:

Thứ nhất, người mang dịch từ nước ngoài về. Theo tổng hợp sơ bộ, 70% số ca mắc COVID-19 mang mầm bệnh từ nước ngoài về.

Thứ hai là sự phát hiện người bệnh nhiễm virus và thực hiện cách ly. Nếu phát hiện sớm, cách ly kịp thời thì sự lây nhiễm ra cộng đồng hạn chế.

Thứ ba là phụ thuộc vào điều trị bệnh nhân nhiễm, điều này liên quan lây nhiễm trong cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19.

Hiện có hai nơi được coi là “ổ dịch lớn” là quán bar Buddha ở TPHCM và Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Riêng tại Bệnh viện Bạch Mai có 3 tâm dịch: Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Khoa Thần kinh và khu vực nhà ăn do Công ty Trường Sinh cung cấp dịch vụ hậu cần phục vụ.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chỉ ra 5 nhóm lớn, được xác định là nguy cơ cao nhất, gồm:

Nhóm thứ 1 là nhóm bệnh nhân đã điều trị ở đây và ra viện. Sau khi xác định đó là ổ dịch, bệnh viện đã rà soát một số đối tượng đã chuyển về các tuyến.

Nhóm thứ 2 là cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám chữa bệnh, phục vụ bệnh nhân.

Nhóm 3 là học sinh, sinh viên đến thực tập, học tập.

Nhóm 4 là người phục vụ bệnh nhân với 2 nhóm nhỏ là người nhà đến phục vụ và nhóm được người nhà thuê phục vụ bệnh nhân.

Nhóm 5 là nhân viên phục vụ tại bệnh viện với 2 phân nhóm chính là phân nhóm phục vụ của Cty Trường Sinh, phân nhóm 2 là nhân viên lái xe điện, nhân viên bảo vệ, nhân viên vệ sinh môi trường…

Từ các nhóm nguy cơ cao này, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên xác định nếu không được phát hiện, giám sát chặt chẽ ra cộng đồng, nguy cơ lây lan ra cộng đồng lớn.

Thứ trưởng khẳng định, các trường hợp phát sinh từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đã giám sát, đưa vào cách ly, giám sát chặt chẽ. Hiện ở nước ta, dịch đã chuyển sang cấp độ 3.

Hai nội dung quan trọng cần tập trung hiện nay là phát hiện ca nhiễm (từ nước ngoài nhập cảnh và tại cộng đồng) và thứ 2 là hạn chế sự lây lan của dịch ra cộng đồng. Ông nhấn mạnh, vai trò của y tế cơ sở rất quan trọng trong ngăn chặn dịch, trong đó có vấn đề phát hiện ca nhiễm ở cộng đồng.

Tuyến y tế cơ sở tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương để thành lập các tổ công tác có sự tham gia của Lãnh đạo địa phương và các cơ quan đoàn thể có nhiệm vụ đi từng ngõ gõ từng nhà, phát hiện từng đối tượng để lập danh sách rà soát tất cả các đối tượng đi từ vùng có dịch về để lập danh sách phân loại đưa vào theo dõi; bên cạnh đó tổ công tác phải đến theo dõi sức khỏe của từng đối tượng trong danh sách rà soát các biểu hiện bệnh (sốt, ho, khó thở, theo dõi nhiệt độ 2 lần/ngày) cùng với đó giám sát theo dõi chặt các trường hợp lớn tuổi, có nhiều bệnh nền, có bệnh mãn tính để có những tư vấn và khuyến cáo phù hợp.

Hiền Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/bo-y-te-thong-tin-30-benh-nhan-mac-covid19-duoc-cong-bo-khoi-benh-ngay-303/391405.vgp