Bộ y tế tăng cường kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh Bạch hầu tại Tây Nguyên

Trước tình hình bệnh Bạch hầu ngày càng diễn biến phức tạp tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Bộ Y tế đã tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo về phòng, chống bệnh Bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra và trao đổi với nhân viên y tế về công tác thu dung, khám và điều trị bệnh Bạch hầu: Nguồn daklak.gov.vn

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra và trao đổi với nhân viên y tế về công tác thu dung, khám và điều trị bệnh Bạch hầu: Nguồn daklak.gov.vn

Kiểm tra công tác thu dung, khám, điều trị bệnh bạch hầu

Sáng 21/7, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (BV). Đoàn công tác đã kiểm tra thực tế công tác thu dung, khám sàng lọc và điều trị bệnh nhân bạch hầu tại khu vực đón tiếp ban đầu, khoa cấp cứu và khoa Nhi tổng hợp BV.

Theo báo cáo từ BV, kể từ ca bệnh đầu tiên được tiếp nhận điều trị ngày 6/6 (ca bệnh của tỉnh Đắk Nông), đến nay, bệnh viện đã thu dung, điều trị đối với 15 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó có 7 trường hợp đã khỏi bệnh và xuất viện. Hiện toàn bệnh viện có 7 khoa thực hiện tiếp nhận, sàng lọc, phân luồng và cách ly điều trị bệnh nhân bạch hầu gồm: Nhi tổng hợp, Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Truyền nhiễm, Cấp cứu, Hồi sức tích cực chống độc, Phẫu thuật – gây mê hồi sức, Sản.

Từ thực tiễn công tác khám và điều trị, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đề nghị Đoàn công tác và các bệnh viện tuyến trên xem xét hỗ trợ kỹ thuật ECMO và xin cấp thêm 2 máy siêu âm tim và 01 máy điện tim tại giường nhằm hỗ trợ công tác điều trị, đặc biệt là trong trường hợp bệnh nhân nặng có chỉ định.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cần tiếp tục phát huy vai trò “anh cả” trong việc hỗ trợ các bệnh viện trong khu vực điều trị bệnh nhân bạch hầu. Đối với công tác điều trị bệnh nhân nặng, bệnh nhân có biến chứng viêm cơ tim, bệnh viện cần liên hệ với Sở Y tế và các bệnh viện tuyến trên để tăng cường thêm trang thiết bị, kỹ thuật nhằm chủ động đáp ứng tốt hoạt động điều trị cho người bệnh. Đồng thời Thứ trưởng cũng yêu cầu bệnh viện tập trung phân luồng cách ly điều trị bệnh nhân bạch hầu thành 2 khu vực cho người lớn và trẻ em, chia phòng bệnh nặng, phòng bệnh nhẹ để tạo hiệu quả hơn nữa trong công tác điều trị và bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm chéo trong môi trường bệnh viện; ngoài vắc xin, phương tiện phòng hộ, bệnh viện cần có thêm các loại thuốc điều trị dự phòng cho cán bộ y tế tiếp xúc gần với người bệnh…

Trước đó, chiều 20/7, Đoàn kiểm tra của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) do Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Y tế Đắk Lắk về công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu và một số dịch bệnh mùa hè khác trên địa bàn.

Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk Nay Phi La thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh: Nguồn daklak.gov.vn

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, tính đến ngày 20/7/2020, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 18 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại 7 xã thuộc 5 huyện Lắk, M’Đrắk, Krông Bông, Cư M’gar, Cư Kuin. Trước tình hình trên, ngành Y tế đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm phòng chống bệnh bạch hầu; tiến hành điều tra thông tin ca bệnh tại các cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân và người tiếp xúc nhằm xét nghiệm kịp thời; điều tra các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp nghi ngờ tại cộng đồng, hướng dẫn cách ly, tự theo dõi và uống kháng sinh dự phòng; khoanh vùng, cách ly, triển khai phun hóa chất xử lý môi trường và kiểm soát tình hình dịch bệnh tại xã có bệnh nhân. Đến nay, đã tiến hành cách ly 8.580 trường hợp, xử lý hóa chất 1.977 hộ gia đình; 4.314 trường hợp được uống kháng sinh dự phòng và tiêm vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu cho 6.550 trường hợp.

Bên cạnh đó, ngành Y tế hiện đang xây dựng dự thảo trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh bạch hầu của tỉnh; tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương lập các chốt kiểm soát dịch bệnh bạch hầu tại các cửa ra vào của vùng dịch; khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu; hướng dẫn, tập huấn, nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu cho các đơn vị y tế; tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch bệnh; vận động các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho nhân dân vùng khó khăn khi phải cách ly….

Phát biểu tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn đánh giá cao công tác chuẩn bị, ứng phó của ngành Y tế đối với tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là thời điểm dịch bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp. Đồng thời đề nghị Sở Y tế cần tham mưu cho UBND tỉnh sớm ban hành kế hoạch phòng chống dịch bạch hầu của tỉnh, trong đó cần chú ý kế hoạch chi tiết và đưa ra thứ tự ưu tiên để triển khai hiệu quả; tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng huy động người có uy tín trong cộng đồng tham gia truyền thông trực tiếp tại cộng đồng dân cư; tiếp tục đẩy mạnh tập huấn, nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu; tăng cường giám sát các dịch bệnh khác như sởi, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh dại; tiếp tục giám sát, duy trì triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19…

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống dịch bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên: Nguồn daklak.gov.vn

Triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin bạch hầu khu vực Tây Nguyên

Trong buổi sáng cùng ngày 21/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã trực tiếp tham dự Hội nghị giao ban công tác y tế dự phòng 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống dịch bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên, do Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tổ chức.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó đặc biệt chú trọng về quy trình giám sát và xử lý ổ dịch bạch hầu; hướng dẫn cập nhật điều trị bạch hầu; giới thiệu vắc xin phòng bạch hầu, đồng thời triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống dịch bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên. Theo đó, Chiến dịch được triển khai từ tháng 7/2020 nhằm mục tiêu tiêm vắc xin đạt tỷ lệ ≥ 90% cho tất cả các đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, qua đó giảm tỷ lệ mắc, tử vong do dịch bệnh bạch hầu tại các địa phương này; đảm bảo an toàn và chất lượng tiêm chủng theo quy định về hoạt động tiêm chủng.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị, thời gian tới, chính quyền các địa phương trong khu vực Tây Nguyên chỉ đạo Sở Y tế và các ngành liên quan thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về công tác tiêm chủng mở rộng và phòng chống dịch bệnh; triển khai hiệu quả Chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống dịch bạch hầu cho 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên. Trong đó, tập trung tiêm chủng ở các vùng xác định nguy cơ và cho các đối tượng có nguy cơ; tăng cường công tác tuyên truyền, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân như rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi ra đường, phun thuốc tiêu trùng khử độc….; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch, đặc biệt là dịch bệnh Covid -19, bệnh dại, sốt xuất huyết, bạch hầu… không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch trên địa bàn.

Lê Tú (TH)

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/bo-y-te-tang-cuong-kiem-tra-chi-dao-cong-tac-phong-chong-benh-bach-hau-tai-tay-nguyen-50350.html