Bộ Y tế phủ nhận việc chậm ban hành quy chuẩn sữa học đường

Trong buổi họp diễn ra tại Hà Nội ngày 15/8, ông Nguyễn Đức Vinh – Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) phủ nhận thông tin cho rằng Bộ Y tế chậm ban hành quy chuẩn, đồng thời, khẳng định đã gửi các văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện Chương trình sữa học đường.

Ông Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em trong buổi họp sáng 15/8 tại Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em trong buổi họp sáng 15/8 tại Bộ Y tế.

Theo Vụ trưởng Nguyễn Đức Vinh, sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 1340 phê duyệt Chương trình sữa học đường, Bộ Y tế đã có Quyết định số 5450 về quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi trong Chương trình này.

Thực tế, Quyết định số 5450 đã được Bộ Y tế ban hành từ 28/9/2016, cách đây 3 năm. Trong đó, Bộ Y tế nhấn mạnh nguyên liệu cho sữa học đường phải đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29 ban hành năm 2017 của Bộ NN&PTNT.

Bộ cũng đã có văn bản yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo sự an toàn và tính hiệu quả của sản phẩm tham gia Chương trình sữa học đường, đồng thời, các địa phương có thể triển khai thí điểm Chương trình căn cứ theo tình hình thực tiễn; chú ý ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và các khu vực có nhiều trẻ em suy dinh dưỡng.

Trẻ em uống sữa trong trường học (Ảnh: unfold.tetrapak.com)

Vụ trưởng Nguyễn Đức Vinh cũng cho biết: “Tôi nhớ là Bộ trưởng Bộ Y tế đã hơn 3 lần ký công văn gửi UBND các địa phương đề nghị triển khai thực hiện và đồng thời nhắc rất rõ nguyên liệu sản xuất ra sản phẩm sữa học đường phải đáp ứng Thông tư của Bộ NN&PTNT và Quyết định 5450 của Bộ Y tế. Hiện nay, khi chưa có quyết định nào ra mới, thì các quyết định đó vẫn có hiệu lực”.

Trả lời câu hỏi về việc sử dụng các loại vi chất trong sữa tươi, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết việc thêm các chất dinh dưỡng phải dựa trên cơ sở khoa học, các nghiên cứu về nhu cầu của từng trẻ để biết các cháu thiếu cái gì, cần gì, hàm lượng bao nhiêu, căn cứ vào khả năng hấp thu của các cháu, tình trạng chuyển hóa của các cháu…

“Đồng thời, sản phẩm phải đáp ứng chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ đã giao, đó là phải nâng cao nhu cầu đáp ứng 3 loại vi chất: sắt, vitamin D và can-xi lên 30% vào năm 2020. Vì vậy việc quyết định bổ sung các loại vi chất như thế nào, Bộ Y tế luôn lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các nhà quản lý và dựa trên chỉ tiêu của Chính phủ để quyết định bổ sung cho phù hợp” – Vụ trưởng Nguyễn Đức Vinh nói.

Chi Lê

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/bo-y-te-phu-nhan-viec-cham-ban-hanh-quy-chuan-sua-hoc-duong-364118.html