Bộ Y tế phát động chiến dịch phòng chống bệnh tay chân miệng, tránh bùng phát dịch ở diện rộng

Sáng 13.10, Bộ Y tế đã phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức 'Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết năm 2018' tại Trường mầm non Dịch Vọng Hậu.

Bộ Y tế kêu gọi triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch

Trong chiến dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đặc biệt kêu gọi người dân và các bà mẹ, các thầy cô giáo cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho trẻ nhỏ trong giai đoạn giao mùa như hiện nay. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện đang là thời gian cao điểm với điều kiện thời tiết khí hậu rất thuận lợi cho dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển và làm tăng nguy cơ bùng phát dịch. Cùng với đó, trẻ em, học sinh vừa tựu trường bước vào năm học mới, nguy cơ dịch bệnh bùng phát và lây lan trong trường học, cơ sở giáo dục là rất lớn. Trên thực tế đã xảy ra các trường hợp mắc bệnh rải rác tại một số địa phương nơi có tập trung đông dân cư, gia tăng giao thương, đi lại, ở vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh có thể sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, ngoài nguy cơ bệnh mới nổi và nguy hiểm có khả năng xâm nhập vào nước ta, thì các bệnh dịch lưu hành trong nước như tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cục bộ, nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại chiến dịch

Chiến dịch lần này có khoảng 1.000 người tham gia, bao gồm nhiều hoạt động như Thực hành vệ sinh khử khuẩn tại khu học tập, vui chơi của trẻ, bao gồm: rửa tay bằng xà phòng, lau rửa đồ chơi, dụng cụ của trẻ, lau rửa sàn nhà tại Trường mầm non Dịch Vọng Hậu. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong thời gian gần đây bắt đầu có sự gia tăng bệnh tay chân miệng và sởi tại một số địa bàn nơi có tập trung đồng dân cư, có sự giao lưu đi lại lớn, điều kiện sinh sống chật hẹp, chưa bảo đảm vệ sinh, ý thức người dân chưa cao ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội... 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 61.821 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 29.324 trường hợp nhập viện và 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam.

Đặc biệt tại các bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Nhi Trung ương, các Bệnh viện Nhi của TP.HCM, các Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện Nhi và Bệnh viện đa khoa tỉnh… số bệnh nhân gia tăng đã gây ra tình trạng quá tải và nguy cơ lây nhiễm chéo bệnh dịch trong bệnh viện. Tính từ đầu năm đến ngày 8.10.2018 đã có 1.093 ca dương tính với sởi/2.942 ca sốt phát ban nghi sởi, tử vong 1 ca; Tay chân miệng có 61.821 ca mắc, 6 ca tử vong; Sốt xuất huyết có 67.414 ca mắc, tử vong 11 ca.

Hoạt động rửa tay bằng xà phòng tại Trường mầm non Dịch Vọng Hậu, Số 2 Trần Quốc Hoàn, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Chia sẻ với phóng viên trước đó, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế khuyến cáo các y bác sĩ nên chú ý để tránh lây nhiễm chéo cho các trẻ em khi các cháu vào khám, điều trị bệnh. "Đối với các ca bệnh nhẹ, bệnh viện tuyến trên có thể điều trị trong ngày, chuyển về phòng khám vệ tinh, bệnh viện tuyến huyện. Còn nếu bệnh nhẹ nào cũng chuyển lên tuyến trên, bên cạnh sự chật chội, quá tải, thiếu giường phải nằm ghép, bác sĩ không đủ sức theo dõi. Chính vì thế, các phụ huynh cần chú ý nếu con em bị bệnh nhẹ thì nên điều trị ở tuyến dưới, không nên đưa lên tuyến trên, tránh lây nhiễm chéo".

Bộ Y tế cho biết, vấn đề phòng bệnh là rất quan trọng. Để phòng bệnh tay chân miệng, người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Dạ Thảo

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/suc-khoe-c-84/bo-y-te-phat-dong-chien-dich-phong-chong-benh-tay-chan-mieng-tranh-bung-phat-dich-o-dien-rong-98671.html