Bộ Y tế nói gì về việc chậm ban hành hướng dẫn sữa tươi học đường?

Việc bổ sung các loại vi chất trong sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường (SHĐ) cần có cơ sở khoa học, phải công khai, minh bạch, lấy ý kiến của các DN và cơ quan quản lý để tạo sự đồng thuận.

Ngày 15/8, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em, Bộ Y tế Nguyễn Đức Vinh đã thông tin với báo chí về việc chậm ban hành Thông tư về SHĐ.

Trong thời gian qua, dư luận phản ánh Bộ Y tế chậm trễ ban hành Quy chuẩn sản phẩm sữa tươi, nhất là việc bổ sung vi chất vào sữa tươi… phục vụ trong Chương trình SHĐ gây khó khăn cho DN và người dân băn khoăn trong việc lựa chọn sản phẩm cho trẻ sử dụng khi năm học mới bắt đầu.

Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em, Bộ Y tế Nguyễn Đức Vinh thông tin với báo chí về việc chậm ban hành Thông tư về SHĐ

Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em, Bộ Y tế Nguyễn Đức Vinh thông tin với báo chí về việc chậm ban hành Thông tư về SHĐ

Theo Vụ trưởng Nguyễn Đức Vinh, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1340/QĐ-TTCP về việc Phê duyệt chương trình SHĐ, ngày 28/9/2016, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 5450/QĐ-BYT về quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình SHĐ và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện.

Trong hướng dẫn, Bộ Y tế nhấn mạnh, sản phẩm dùng trong chương trình SHĐ phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/1/2017 của Bộ NN&PTNT. Nguyên liệu sữa tươi này khi sản xuất thành phẩm SHĐ phải đạt yêu cầu theo quy định tại Quyết định 5450 của Bộ Y tế.

Hiện đã có 15 tỉnh, TP đã và đang triển khai chương trình SHĐ bằng các nguồn kinh phí của Nhà nước, DN và người dân, có cả tỉnh còn khó khăn như Sơn La. “Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa ban hành quy định mới, các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế vẫn cần được thực hiện nghiêm túc như trong thời gian qua”, ông Vinh thông tin.

Ngoài ra, đại diện cũng khẳng định, Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng và ban hành các quy định hướng dẫn về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình không phải ban hành quy chuẩn. Thế giới và Việt Nam đều không có Quy chuẩn sữa tươi. Việt Nam đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng (QCVN 5-1: 2010/BYT) và Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5450 như đã đề cập.

Trả lời câu hỏi về việc nhiều DN và người dân băn khoăn về việc bổ sung các loại vi chất trong sản phẩm sữa tươi dùng trong chương trình SHĐ, Vụ trưởng Nguyễn Đức Vinh cho biết, việc bổ sung các loại vi chất trong sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình SHĐ cần có cơ sở khoa học (bổ sung loại vi chất nào, hàm lượng bao nhiêu, căn cứ vào tình trạng thiếu hụt vi chất của trẻ, khả năng hấp thu, chuyển hóa…) và đảm bảo tính thực tiễn, khả thi, phù hợp với thông lệ quốc tế.

“Quan trọng là phải thực hiện đúng chỉ tiêu trong Quyết định số 1340 của Thủ tướng Chính phủ, đáp ứng 30% nhu cầu sắt, vitamin D, canxi của trẻ đến năm 2020. Cùng đó, cần xem xét, lựa chọn phương án giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước, giảm chi phí người dân và đảm bảo quyền lợi của các DN tham gia cung cấp sản phẩm phục vụ Chương trình SHĐ”, ông Vinh nói.

Vụ trưởng Vinh cho hay, Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình SHĐ. Việc bổ sung 21 vi chất hay 3 vi chất, khuyến nghị bổ sung 18 vi chất… thì số lượng bao nhiêu đều phải trên cơ sở nghiên cứu khoa học, phải công khai, minh bạch, lấy ý kiến của các DN và cơ quan quản lý để tạo sự đồng thuận.

Cũng theo đại diện Bộ Y tế, mục đích cao nhất mà Bộ Y tế hướng tới là các cháu được sử dụng sản phẩm tốt nhất, tình trạng dinh dưỡng cũng như tầm vóc thể lực của các cháu được cải thiện theo đúng Quyết định của Thủ tướng.

Theo Bộ Y tế, đây là chương trình rất có hiệu quả cả về an sinh xã hội cũng như cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Nghị Quyết 20, 21 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành T.Ư Khóa XII về nâng cao tầm vóc thể lực người Việt Nam.

Thực tiễn triển khai chương trình SHĐ ở một số quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, sau 5 năm triển khai đã giúp giảm tình trạng suy dinh dưỡng, tăng chiều cao của trẻ em (Trung Quốc tăng 2cm, Thái Lan tăng 5cm). Tại Việt Nam, qua 5 năm triển khai chương trình tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tỷ lệ trẻ thoát suy dinh dưỡng đạt 21,7%; đặc biệt trẻ có cải thiện về chiều cao đạt 36,8%.

Thảo Trần

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chuong-trinh-sua-hoc-duong-bo-y-te-ly-giai-viec-cham-ban-hanh-quy-chuan-san-pham-sua-tuoi-350178.html