Bộ Y tế lập đường dây nóng, giải đáp thắc mắc về tiêm chủng mở rộng

Bộ Y tế thông báo chính thức sử dụng số điện thoại đường dây nóng 0981480480 để giải đáp thắc mắc, tư vấn và cung cấp thông tin về tiêm chủng mở rộng.

Theo baotintuc.vn, văn phòng Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia vừa thông báo sẽ chính thức sử dụng số điện thoại hotline: 0981480480 để giải đáp thắc mắc, tư vấn và cung cấp thông tin về tiêm chủng mở rộng.

Theo đó, số điện thoại đường dây nóng 0981480480 sẽ hoạt động tất cả các ngày trong tuần. Các gia đình và cộng đồng có thể gọi bất cứ lúc nào nếu có thắc mắc hay cần tư vấn các vấn đề liên quan đến tiêm chủng mở rộng.

Bộ Y tế lập đường dây nóng, giải đáp thắc mắc về tiêm chủng mở rộng.

Trước tình hình triển khai các vắc xin mới, đây sẽ là kênh trực tiếp để người dân có thể dễ dàng được tìm hiểu thông tin vắc xin và lịch tiêm cũng như tư vấn tiêm chủng phù hợp cho trẻ.

Liên quan tới vụ việc, báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, theo cục Y tế dự phòng thuộc bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 09/01/2019, đã có 28 tỉnh/thành phố đã triển khai tiêm vắc xin này với số trẻ được tiêm là 131.171 trẻ. Theo báo cáo, ngoài phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc... với tỷ lệ khoảng 2,5% đồng thời cũng đã ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật ở một số địa phương với tỷ lệ khoảng 0,05%, các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị.

Theo cục Y tế dự phòng, mặc dù tỷ lệ các phản ứng trên nằm trong thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, song để bảo đảm tiêm chủng an toàn, đạt tỷ lệ cao, mới đây bộ Y tế đã có Công điện gửi đồng chí Giám đốc sở Y tế chỉ đạo triển khai ngay một số vấn đề liên quan.

Bộ Y tế yêu cầu tổ chức tập huấn ngay cho cán bộ y tế của các cơ sở tiêm chủng cũng như cán bộ y tế tuyến huyện chưa được tập huấn hoặc đã được tập huấn nhưng chưa thuần thục về khám sàng lọc, đặc biệt xử trí cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng theo hướng dẫn của bộ Y tế về hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ. Chỉ những cơ sở tiêm chủng có cán bộ y tế đã được tập huấn và có kỹ năng về xử trí, cấp cứu sau tiêm chủng mới được tiến hành tiêm chủng. Yêu cầu tất cả các cơ sở tiêm chủng phải có phác đồ xử trí phản vệ và được treo tại điểm tiêm chủng.

Các địa phương cử cán bộ có trình độ chuyên môn hợp lý từ tuyến trên xuống tăng cường cho các trạm Y tế xã, phường trong việc khám sàng lọc, cấp cứu và xử trí sau tiêm chủng, đặc biệt là những trạm Y tế không có bác sĩ hoặc những xã, phường khó khăn.

Huấn luyện lại cho các nhân viên y tế tại các cơ sở tiêm chủng về việc tư vấn cho các bà mẹ biết cách theo dõi trẻ sau tiêm chủng, phát hiện các triệu chứng của trẻ như sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, sưng đau tại chỗ tiêm... cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện gần nhất để được khám, xử trí cũng như cấp cứu kịp thời.

Bên cạnh đó, bộ Y tế đề nghị tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về lợi ích của việc tiêm chủng phòng bệnh, những phản ứng có thể gặp sau khi tiêm chủng và cách theo dõi, chăm sóc, phối hợp tốt với cơ quan y tế trong việc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, tốt nhất là đến bệnh viện gần nhất khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe sau tiêm chủng để người dân yên tâm, tin tưởng vào công tác tiêm chủng.

Ngoài ra, cần tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện chấn chỉnh ngay những tồn tại, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các đơn vị, địa phương để bảo đảm việc tiêm chủng an toàn và hiệu quả, tránh tối đa các tai biến nặng và nếu có thì cần xử trí.

Phong Linh (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bo-y-te-lap-duong-day-nong-giai-dap-thac-mac-ve-tiem-chung-mo-rong-a418461.html