Đời thường của nữ chủ tiệm xăm cá tính ở Sài Gòn

Khi tiếng xe cộ ngoài đường dần thưa thớt, nhiều ngôi nhà đã tắt đèn, người dân thành phố đang dần chìm trong giấc ngủ thật sâu, đó là lúc nữ chủ tiệm xăm tất bật phục vụ khách.

23h khuya, khi tiếng xe cộ ngoài đường đã dần thưa thớt, nhiều ngôi nhà đã tắt hết đèn, người dân thành phố đang dần chìm trong giấc ngủ thật sâu, trong một con hẻm tại quận Bình Thạnh (TP.HCM), từ căn phòng nhỏ vẫn hắt ra tia ánh sáng hiu hắt xuống nền đường bê tông sần sùi. Thứ ánh sáng ấy hiện hữu liên tục cùng tiếng "è è" phát ra từ chiếc máy xăm.

Đó là đêm mà Nguyễn Thúy Vi sẽ phải làm việc đến sáng để kịp hoàn thành hình xăm cho khách hàng.

Bắt đầu từ các hình xăm trong truyện tranh

Thúy Vi kể cô từ bỏ công việc thiết kế thời trang để theo đuổi đam mê từ nhỏ. Hồi chưa đầy 10 tuổi, cô rất đam mê truyện tranh manga của Nhật Bản. Nếu như bạn bè khác chỉ thường chú ý đến tính cách, trang phục hoặc các "tuyệt chiêu" của nhân vật thì cô lại chăm chăm vào chi tiết duy nhất: Hình xăm trên cơ thể nhân vật.

"Mỗi con người trong truyện đều có hình xăm khác nhau và nó rất đẹp, bắt mắt, thu hút sự chú ý của tôi", Vi chia sẻ.

Từ cái đẹp bắt mắt ban đầu ấy, cô bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn và phát hiện ra rằng những hình xăm này không chỉ để trang trí, mà còn phản ánh phần nào tính cách, con người rất thật, đời thường của nhân vật.

Nhờ vậy, cô gái sinh năm 1988 càng thêm yêu thích những họa tiết trên cơ thể con người. Lúc đọc truyện, mỗi khi bắt gặp hình xăm ấn tượng, Vi lại lấy giấy, bút vẽ lại nhân vật ấy, và dĩ nhiên bao gồm cả hình xăm.

Những nét vẽ ban đầu của cô bé tiểu học có thể còn ngờ nghệch, chưa giống trong truyện, nhưng càng ngày Vi càng vẽ đẹp hơn, thật hơn.

"Vì hàng ngày cứ vẽ các nhân vật manga như vậy nên trong tôi hình thành sự yêu thích hình xăm từ lúc nào không hay", cô bộc bạch.

Nữ thợ xăm làm việc trong đêm ở Sài Gòn Thiếu nữ 30 tuổi cho rằng những hình xăm trên cơ thể cô và khách hàng của mình không chỉ để trang trí mà còn phản ánh phần nào tính cách con người rất thật, rất đời thường.

Ngã rẽ sau khi tốt nghiệp đại học

Lớn lên, với năng khiếu mỹ thuật, Thúy Vi chọn học ngành có liên quan đến vẽ - Thiết kế thời trang tại Đại học Hồng Bàng, TP.HCM. Tấm bằng tốt nghiệp đại học loại xuất sắc mở ra cho Vi nhiều cơ hội nghề nghiệp.

Nhưng cuối cùng, cô chọn con đường mở shop thời trang riêng, chuyên thiết kế trang phục cosplay (trang phục dành cho những ai muốn hóa thân thành nhân vật truyện tranh), trang phục biểu diễn sân khấu và nhận được nhiều đơn đặt hàng từ người mẫu, diễn viên, công ty game.

Mặc dù shop thời trang đã có nguồn thu ổn định, hình ảnh manga từ tấm bé và niềm đam mê dành cho bộ môn nghệ thuật xăm vẫn chưa bao giờ thôi ám ảnh Vi.

Thúy Vi nghĩ rằng cô cần thay đổi, theo đuổi ngọn lửa đam mê. 25 tuổi, Cô quyết định từ bỏ ngành thời trang đã theo học 4 năm ở giảng đường chuyển sang học nghề xăm. Chỉ mất 6 tháng "tu luyện" kỹ thuật vẽ lên da, để rồi từ đó, 8X chính thức trở thành nghệ sĩ xăm mình.

Vượt qua định kiến xã hội về hình xăm

"Là con gái, khi theo đuổi nghề xăm, tôi đã chịu rất nhiều cái nhìn không thiện cảm của xã hội", Vi thổ lộ.

Đây không phải điều lạ khi nhiều người Việt Nam, đặc biệt là những ai lớn tuổi, vẫn luôn có cái nhìn không mấy thiện cảm với người có hình xăm và làm công việc này.

Đối với họ, "dân xăm mình" thường thuộc nhóm không tốt, là giang hồ, phường ăn chơi. Hoặc tệ hơn, định kiến này sẽ còn tăng lên gấp nhiều lần nếu người có họa tiết trên cơ thể là con gái.

Đối với họ, các hình vẽ trên cơ thể có lẽ chưa bao giờ được thừa nhận là bộ môn nghệ thuật, là cách làm đẹp và thể hiện cá tính đã rất được phổ biến trên thế giới từ nhiều năm trước.

Những hình xăm ở nhiều bộ phận trên người Thúy Vi.

Những hình xăm ở nhiều bộ phận trên người Thúy Vi.

Nếu như ánh nhìn kỳ thị từ bên ngoài không đủ làm Vi gục ngã thì chính cha mẹ - những người thân yêu và gắn bó nhất - lại khiến cô chạnh lòng khi không ủng hộ quyết định của con mình.

Vi thật sự buồn lòng. Cô kể sau 3 tháng theo học nghề trở về nhà với những hình xăm đầu tiên trên lưng, mẹ cô ngay khi phát hiện đã "nổi trận lôi đình", cấm không được tiếp tục.

"Sau đó, hai mẹ con giận nhau, không nói chuyện với nhau hơn một tuần", Vi kể.

Câu nói của mẹ khiến 8X buồn và ám ảnh nhất cho tới tận bây giờ: "Đã phong cách quái dị không giống ai rồi, bây giờ còn xăm trổ nữa thì người xung quanh nhìn ra cái thứ gì?".

Đáp lại câu nói đau lòng của mẹ, Vi kiên quyết: "Con đã 25 tuổi, mẹ đừng quyết định tương lai và sở thích của con nữa. Mẹ cứ yên tâm, con sẽ không làm điều gì phạm pháp, sai trái".

Như để chứng minh cho câu nói đanh thép của mình, Thúy Vi càng quyết tâm học nghề nhanh hơn, hoàn thành khóa học chỉ sau 6 tháng và ngay lập tức mở dịch vụ xăm tại nhà.

Do có sự chọn lọc khách hàng kỹ lưỡng nên những người tìm đến Vi đa phần đều lịch sự, tử tế. Họ có thể là sinh viên, hoặc dân văn phòng và thường vui đùa, trò chuyện với mẹ cô.

Thông qua những chia sẻ của khách hàng về việc tại sao xăm hình này, hình kia, nó có ý nghĩa gì… dần dần, mẹ Vi cũng thay đổi suy nghĩ về xăm mình. Và khi con gái đã có thể tự lo cho mình và gia đình bằng công việc này, bà đã thật sự tin tưởng, ủng hộ con bước tiếp với niềm đam mê.

Không chỉ vậy, những người bán hàng trong khu chợ ở gần nhà Thúy Vi cũng đã quen thuộc với hình ảnh cô gái chạy môtô phân khối lớn, mang boots cao, người xăm trổ nhưng tính tình hiền lành. Họ còn tươi cười, niềm nở và hỏi chuyện mỗi khi thấy cô ghé mua hàng.

"Hãy thật sự hiểu rõ đam mê của mình, đừng ngộ nhận giữa việc thích hình xăm và thích làm nghề xăm", 8X chia sẻ.

Mỗi khi nhận được yêu cầu của khách hàng, nếu là hình có sẵn, Vi sẽ sắp xếp lịch hẹn. Nếu không, Vi phải tự tay thiết kế, vẽ hình xăm trên máy tính trong nhiều giờ rồi mới có thể hẹn khách đến.

Tập trung cao độ khi hành nghề

Đến ngày hẹn, Vi in hình xăm của khách yêu cầu ra giấy rồi ướm thử lên da để kiểm tra kích cỡ. Nếu vùng da của khách có quá nhiều lông như khách nam hoặc khách Tây, cô sẽ phải cạo sạch. Sau đó, Vi vệ sinh vùng da cần xăm của khách bằng nước chuyên dụng rồi in hình lên da.

Công việc cứ thế, tất bật chuẩn bị máy xăm, kim, ngòi, chum mực, màu, ráp ngòi và kim vào máy, bật đèn, sắp xếp vị trí ngồi, vệ sinh, khử trùng dụng cụ… rồi mới bắt đầu ghi dấu cho khách hàng.

Vi ngồi lâu ở một chỗ, ghì đầu vào vùng xăm và tập trung cao độ, liên tục trong 2-3 tiếng cho đến 5-6 tiếng, tùy theo độ khó, chi tiết của hình.

Cô thường làm vào ban đêm để tranh thủ thời gian của khách hàng. Đó là chưa kể đối với hình kín lưng, tốn thời gian cả ngày không ngưng nghỉ.

Tập trung liên tục, cẩn thận trong từng đường nét vì đụng vào da thịt của khách không hề đơn giản. "Bất kỳ lỗi nhỏ nào xảy ra cũng sẽ rất khó để khắc phục", Vi nói.

Ngoài giờ làm việc, Thúy Vi cũng thường xuyên học hỏi, cập nhật các xu hướng, hình xăm đẹp trên thế giới và nâng cao tay nghề mỗi ngày.

Vì vậy, nghề xăm chưa bao giờ là việc dễ dàng và người nghệ sĩ xăm mình cũng phải làm việc cật lực, vất vả như bao nhiêu công việc khác.

Theo Vi, "người làm công việc này trước hết phải có niềm đam mê đủ lớn, kiên trì, nhẫn nại để học hỏi, thực hành mỗi ngày thì mới có thể sống với nghề".

"Các bạn cần hiểu rõ bản thân có thật sự yêu thích nghề xăm hay không, có đủ can đảm vượt qua định kiến của xã hội và có được sự đồng thuận từ gia đình hay không. Đừng ngộ nhận giữa việc thích hình xăm và thích làm nghề xăm", Vi kết luận.

Liêu Lãm

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/doi-thuong-cua-nu-chu-tiem-xam-ca-tinh-o-sai-gon-post842405.html