Bộ Y tế kiểm tra hai bệnh viện nhiều nguy cơ ở Hà Nội

PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh dịch bệnh còn kéo dài, các cơ sở y tế cần sàng lọc, cách ly kỹ lưỡng.

Ngày 9/8, Đoàn kiểm tra số 1 của Bộ Y tế đã phối hợp Sở Y tế Hà Nội tới kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện các tiêu chí an toàn tại Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Thận Hà Nội. Đây là buổi kiểm tra thứ hai của Đoàn số 1 do PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, làm trưởng đoàn.

Theo ông Khuê, hai bệnh viện chuyên khoa phổi và thận của Hà Nội đang điều trị những bệnh nhân có nhiều nguy cơ, dễ tổn thương khi mắc Covid-19. Thực tế, trong 11 người tử vong, đa phần là các bệnh nhân suy thận mạn, viêm phổi, nhiều bệnh lý nền kèm theo.

 Đoàn kiểm tra số 1 của Bộ Y tế do PGS.TS Lương Ngọc Khuê làm trưởng đoàn xem xét công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện Phổi Hà Nội. Ảnh: BVCC.

Đoàn kiểm tra số 1 của Bộ Y tế do PGS.TS Lương Ngọc Khuê làm trưởng đoàn xem xét công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện Phổi Hà Nội. Ảnh: BVCC.

Bệnh viện Phổi Hà Nội mỗi ngày khám cho trên 100 bệnh nhân. Nơi đây cũng quản lý và điều trị bệnh nhân lao, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), lao đa kháng… nên luôn cần theo dõi và quản lý sát sao.

Bệnh viện Thận Hà Nội hiện quản lý 444 bệnh nhân chạy thận nhân tạo với nhiều bệnh nền (tim mạch, đái tháo đường) và 517 bệnh nhân thận mạn. Trong khi đó, máy thận nhân tạo đa số là cũ. Hiện tại, 77 máy phải hoạt động liên tục từ 3-4 ca/ngày.

Việc kiểm tra các tiêu chí an toàn giúp chỉ ra cho bệnh viện những lỗ hổng để cải tiến và phòng ngừa, ngăn chặn, cách ly và chuyển bệnh nhân kịp thời, hiệu quả.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh các bệnh viện phải quán triệt quan điểm phân luồng, cách ly bệnh nhân hiệu quả, không để khu vực này tiến sâu trong bệnh viện để phòng ngừa lây nhiễm. Dây, biển báo phải được bố trí dễ thấy để bệnh nhân không đi sai chỗ, lạc đường trong cơ sở y tế.

Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế cũng tới kiểm tra tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Dolife. PGS Khuê đề nghị bệnh viện này quan tâm đến vấn đề thông khí buồng bệnh.

Theo PGS Khuê, các cơ sở y tế phải rút kinh nghiệm từ Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thận Hà Nội… để “không đi vào vết xe đổ”.

“Các bệnh viện cần xác định dịch bệnh sẽ còn kéo dài. Do đó, công tác sàng lọc, cách ly phải được thực hiện trường kỳ để hạn chế tổn thất kinh tế cho bệnh viện”, PGS Khuê nhấn mạnh. Đoàn cũng đề nghị các bệnh viện nâng cao năng lực xét nghiệm trong trường hợp được huy động tham gia.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bo-y-te-kiem-tra-hai-benh-vien-nhieu-nguy-co-o-ha-noi-post1117759.html