Bộ Y tế: Không nên hoang mang với vi rút Zika

Đây là khuyến cáo được Thứ trưởng Bộ Y tế - GS. TS Nguyễn Thanh Long đưa ra ngay khi Việt Nam xác nhận có 2 trường hợp đầu tiên nhiễm vi rút Zika. Động thái này sẽ góp phần không làm các gia đình, cộng đồng hoang mang cũng như ảnh hưởng tới các hoạt động du lịch.

Thận trọng với phụ nữ có thai

Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika vì có sự đi lại, di chuyển giữa các quốc gia cũng như giữa các địa phương. Hơn nữa tại Việt Nam có xuất hiện muỗi vằn truyền bệnh và chưa có miễn dịch trong cộng đồng.

Dịch bệnh do vi rút Zika được cảnh báo là bệnh truyền nhiễm nhóm B.Đây là nhóm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanhvà có thể gây tử vong, bao gồm bệnh do vi rút A-đê-nô (Adeno), (HIV/AIDS), bạch hầu, bệnh cúm, bệnh dại, ho gà, lao phổi, bệnh liên cầu lợn ở người, bệnh lỵ A-míp (Amibe), bệnh lỵ trực trùng, bệnh quai bị, bệnh sốt (Dengue), sốt xuất huyết (Dengue), bệnh sốt rét, bệnh sốt phát ban; bệnh sởi, bệnh tay-chân-miệng, bệnh than, bệnh thủy đậu, bệnh thương hàn, bệnh uốn ván, bệnh Ru-bê -ôn (Rubeon), bệnh viêm gan vi rút, bệnh viêm màng não do não mô cầu, bệnh viêm não vi rút, bệnh xoắn khuẩn vàng da…

Phòng chống Zika hiệu quả nhất là… diệt muỗi (ảnh: TTXVN)

Với hai trường hợp đầu tiên mắc vi rút Zika ở Khánh Hòa và TP. Hồ Chí Minh, đây là nơi có nhiều khách du lịch cư trú. Tuy nhiên chưa đến mức cảnh báo phải cấm đi lại ở hai tỉnh/ thành kể trên. Chỉ riêng đối tượng là phụ nữ có thai trong ba tháng đầu của thai kỳ hoặc phụ nữ đang có kế hoạch có thai cần cân nhắc di chuyển đến vùng có dịch.

Bệnh do vi rút Zika có đặc điểm thường diễn biến ở mức độ vừa, nhẹ, nhiều trường hợp không có biểu hiện triệu chứng và tự khỏi nên không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nếu ở người bình thường, không trong độ tuổi sinh đẻ, bệnh do vi rút Zika gây ra được cho là “nhẹ” và “ít nguy hiểm” hơn so với sốt xuất huyết.

Do mối liên quan tiềm ẩn giữa nhiễm vi rút Zika ở phụ nữ có thai và chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh nên cần quan tâm đến việc phòng bệnh và theo dõi sức khỏe cho phụ nữ mang thai, người dự định có thai và phụ nữ mang thai nhiễm vi rút Zika.

Theo bác sĩ Trần Danh Cường, Phó giám đốc bệnh viện phụ sản Trung ương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh như nhiễm khuẩn, rubela… ở người mẹ khi mang thai, chứ không chỉ có vi rút Zika. Hay trên thực tế, trong số hơn 6000 trường hợp trẻ sơ sinh mắc bệnh đầu nhỏ ở Brazil thì chỉ khoảng hơn 900 trường hợp liên quan đến vi rút Zika. Điều này có nghĩa là, ngay cả người mẹ khi mang thai mắc vi rút Zika thì con của họ khi sinh ra chưa chắc bị chứng đầu nhỏ.

Hiện tại, phương pháp siêu âm trước sinh có thể xác định được trẻ có bị chứng đầu nhỏ hay không. Bộ Y tế đã có những đợt tập huấn về siêu âm ở ba miền nhằm nâng cao khả năng đọc hình ảnh siêu âm của đội ngũ y bác sĩ. Do đó, cùng với sự chủ động của phụ nữ mang thai trong các đợt khám định kỳ cũng như sự tích cực theo dõi, hỗ trợ của các tuyến bệnh viện thì có thể kiểm soát được chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh do vi rút Zika gây ra.

Phòng chống Zika hiệu quả nhất là… diệt muỗi!

Về hai trường hợp dương tính với vi rút Zika đầu tiên ở nước ta,theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long thì nguyên nhân cho đến thời điểm này tạm kết luận là do muỗi truyền. Bởi trước đó hai trường hợp mắc bệnh này không có tiền sử bệnh, không di chuyển khỏi địa phương, không tiếp xúc nguồn lây bệnh từ người nhà và cộng đồng xung quanh.

Kết quả xét nghiệm 2 trường hợp nhiễm vi rút Zika ở Việt Nam cho thấy chủng vi rút Zika tương tự chủng ASEAN và Trung Quốc, tuy nhiên gần với chủng Trung Quốc hơn.

Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, ngay cả khi chưa công bố 2 trường hợp dương tính với vi rút Zika thì WHO nhận định Việt Nam có nguy cơ mắc vi rút Zika, bởi đây là bệnh chủ yếu do muỗi truyền bệnh và các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Malaysia… đã ghi nhận những trường hợp nhiễm vi rút Zika.

Phát biểu trước báo giới Việt Nam, đại diện WHO cho biết sẽ cùng Việt Nam nỗ lực ứng phó với dịch bệnh do vi rút Zika.

Cho đến nay, biện pháp phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika hiệu quả nhất được khuyến cáo là diệt muỗi, loăng quăng, không để cho muỗi sinh sôi nảy nở, giảm thiểu tối đa muỗi đốt, ngủ màn. Dùng các thuốc diệt muỗi, hạn chế sử dụng hóa mỹ phẩm, đồ dùng, vật dụng… kích thích muỗi.

Người dân tự diệt muỗi, loăng quăng tại mỗi gia đình không những phòng tránh được dịch bệnh do vi rút Zika gây ra mà còn phòng tránh được nhiều bệnh khác như sốt xuất huyết.

Cho đến nay, cũng có bằng chứng cho thấy nguồn lây nhiễm vi rút Zika qua đường tình dục. Vì vậy biện pháp phòng tránh nữa không thể không nhắc tới là tình dục an toàn.

Đại diện của WHO cho biết đến nay đã có 61 nước ghi nhận có người nhiễm vi rút Zika. Muỗi truyền bệnh thuộc nhóm Aedes là loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Thời gian ủ bệnh 3-12 ngày. Người bệnh có biểu hiện sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu

Nhị Xuân

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/sites/vi-vn/details/66/thoi-su-y-te/143059/bo-y-te-khong-nen-hoang-mang-voi-vi-rut-zika.aspx