Bộ Y tế: 'Không dùng tiền mặt' tại các cơ sở y tế trong cả nước

Sáng nay 20/9, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến 'Đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành y tế' với 62 điểm cầu tỉnh thành trong cả nước.

Bộ trưởng, Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị trực tuyến “Đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành y tế" với 62 điểm cầu trong cả nước. Ảnh: Lương Minh.

Cần thiết áp dụng thanh toán điện tử

Ngay đầu hội nghị, trong bài phát biểu, Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh: "Thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán điện tử nói riêng là xu thế tất yếu của thời đại, thể hiện một xã hội văn minh, hiện đại, đem lại nhiều lợi ích to lớn, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế. Thời gian qua, ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của người dân trong lĩnh vực hành chính công, lĩnh vực khám, chữa bệnh, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe và trong công tác đào tạo nhân lực y, dược. Đây cũng là nền tảng để triển khai thanh toán điện tử đôíi với các dịch vụ hành chính công, viện phí và học phí"

Cụ thể đối với ngành y tế, thì thanh toán điện tử giải quyết rất nhiều những bất cập trong hiện tại. Đó là việc quá tải tại các bệnh viện, sự chờ đợi lâu của người bệnh kéo theo nhiều phát sinh trong việc đảm bảo trật tự an toàn tại bệnh viện. Việc trà trộn của kẻ xấu nhằm mục đích trục lợi, lừa đảo người bệnh... Chưa kể là hiện tượng lây nhiễm chéo do thói quen, nếp sống của người Việt "một người nằm viện, cả nhà trông nom"...

Đứng trước hàng loạt các bất cập đó, thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều lợi ích trong việc giúp người bệnh thanh toán an toàn, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian hơn thanh toán tiền mặt. Đồng thời cho phép các giao dịch mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ một cách trực tuyến ở mọi lúc, mọi nơi. Trong những trường hợp cấp cứu, người bệnh không đủ tiền thanh toán cũng có thể huy động người thân trợ giúp ở mọi nơi. Điều này, cho phép người dân tiếp cận và thanh toán không chỉ trong nước mà ngay cả với thị trường toàn cầu.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, việc áp dụng thanh toán điện tử trong ngành y tế là rất cần thiết và đem lại nhiều lợi ích cho người dân. Đối với các ngân hàng: "Các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, vận dụng mô hình kinh doanh đổi mới, sáng tạo đã cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện lợi, được thị trường đón nhận tích cực với hàng chục triệu khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ", Bộ trưởng cho hay.

Bộ trưởng Kim Tiến khẳng định: "Việc triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt là Nghị quyết của Chính phủ. Đây không chỉ là một nhiệm vụ chính trị của ngành y tế, mà nó còn là cơ hội để ngành lột xác, phát triển theo hướng hiện đại hóa, góp phần tích cực vào nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Phát huy những thành tựu đạt được trong thời gian vừa qua nhất là các thành tựu về ứng dụng công nghệ thông tin;

Đồng thời khắc phục những tồn tại, khó khăn khi triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, chúng ta tin tưởng rằng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp của bộ, ngành và địa phương, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của cán bộ trong ngành, ngành y tế sẽ triển khai thành công thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng chủ trương của Chính phủ, góp phần xây dựng xã hội không tiền mặt - xã hội văn minh, hiện đại".

Khó khăn khi thanh toán điện tử

Theo báo cáo của đại diện Cục công nghệ thông tin, Bộ y tế cho biết, hiện nay nước ta có khoảng 78 ngân hàng cung cấp dịch vụ mobile Banking (trong đó có 41 ngân hàng cũng cấp dịch vụ Internet Banking) và Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho 31 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong có 28 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử. Tuy nhiên 90% số giao dịch nhỏ lẻ, có giá trị thấp thì vẫn dùng tiền mặt trong xã hội.

Ngoài ra, hệ thống thanh toán Việt Nam còn khoảng cách so với một số nước trong khu vực và thế giới. Chi phí phát hành thẻ cao. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước thì chi phí bình quân phát hành 1 thẻ vào khoảng 5USD/thẻ trong khi chi phí phát hành thẻ trên thế giới khoảng 1USD/Thẻ.

Doanh thu thanh toán thẻ chủ yếu vẫn là rút tiền từ ATM chiếm 85% chỉ có 15% là doanh thu từ giao dịch thanh toán và các giao dịch phát sinh từ các điểm chấp nhận thẻ thanh toán.

Thanh toán điện tử trong thương mại điện tử còn thấp, nhiều trường hợp bán hàng online nhưng khi thanh toán vẫn chủ yếu bằng tiền mặt.

Đồng thời việc thu nộp thuế điện tử vẫn còn nhiều vướng mắc do việc kết nối thanh toán của Kho bạc Nhà nước và hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) của Ngân hàng Nhà nước chưa được mở rộng.

Giá trị giao dịch thanh toán thẻ qua POS chưa nhiều, nhất là thanh toán thẻ nội địa qua POS, việc triển khai POS vẫn còn những bất cập cần xử lý, vẫn còn một số đơn vị bán hàng thu phụ phí khi khách hàng thanh toán qua thẻ, một số đơn vị bán hàng còn chưa sử dụng việc thanh toán qua thẻ vì không muốn công khai doanh thu bán hàng.

Hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán điện tử vẫn chưa hoàn thiện, mặc dù thời gian vừa qua đã được cải thiện nhiều, song vẫn được đánh giá là chưa đầy đủ và đồng bộ.

Theo đó, để áp dụng thanh toán điện tử trong ngành y tế cần sự vào cuộc và chung tay thực sự của ngành Ngân hàng trong việc hỗ trợ, triển khai cho người dân sử dụng thẻ. Việc dùng thẻ phải mang lại nhiều lợi ích cụ thể gắn liền với quyền lợi khám chữa bệnh của người dân.

Ngoài những khó khăn trên thì theo như một số bệnh viện đã áp dụng việc thanh toán không dùng tiền mặt trong khám chữa bệnh cũng đưa ra một số khó khăn, bất cập như người dân đến khám chữa bệnh vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, chưa quen sử dụng thẻ, các ứng dụng di động để thanh toán; Việc kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn; Phí thanh toán các giao dịch không dùng tiền mặt còn cao và bệnh viện chưa có các cơ chế chi trả phí.

Giải pháp trọng tâm cho thanh toán điện tử tại các bệnh viện

Trên tinh thần báo cáo của Cục công nghệ thông tin, những khó khăn, vướng mắc đưa lại từ phía bệnh viện. Nhận thức rõ lợi ích của thanh toán điện tử, Bộ trưởng, bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, khó khăn là điều không thể không có. Tuy nhiên, đứng trước khó khăn, thì phải hành động như thế nào mới là điều quan trọng.

Trên cơ sở thống nhất một số nhiệm vụ, giải pháp chính thực hiện thành công Nghị quyết số 02 của Chính phủ trong thời gian tới. Bộ trưởng đưa ra một số giải pháp cụ thể, cùng quyết tâm thực hiện thành công thanh toán điện tử trong ngành y tế.

Bộ trưởng quán triệt trong toàn ngành phải tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đơn vị và vai trò của người đứng đầu đơn vị trong chỉ đạo quyết liệt triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt.

Bộ trưởng nói: "Từ nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của thanh toán không dùng tiền mặt, các đơn vị trong toàn ngành phải có kế hoạch hành động, bố trí nguồn lực và các điều kiện để triển khai các giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt phù hợp với điều kiện của đơn vị".

Đối với các bệnh viện, Bộ trưởng chỉ đạo: "Các cơ sở đào tạo y dược phải chủ động triển khai nhiều hình thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong thanh toán viện phí, học phí, như: thanh toán qua thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, qua thiết bị di động thông minh, ví điện tử, cổng thanh toán điện tử. Đối với người dân không có thẻ, không có tài khoản ngân hàng, các cơ sở y tế phải phối hợp với ngân hàng triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt thuận tiện, dễ dàng và phù hợp với điều kiện, lối sống của người dân".

Ngoài hai nhiệm vụ chính trên, Bộ trưởng kêu gọi sự giúp sức, hỗ trợ của các cơ quan ban ngành liên quan như Ngân hàng, các cơ quan truyền thông, tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân về ý nghĩa và tiện ích quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần thuyết phục người dân bỏ thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán viện phí, học phí. Nhằm thúc đẩy và tiến tới xã hội hóa công nghiệp, đưa đất nước phát triển.

Lương Minh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-y-te-khong-dung-tien-mat-tai-cac-co-so-y-te-trong-ca-nuoc-post68164.html