Bộ Y tế: Không cấm chuyên gia nước ngoài nhập cảnh nhưng xem xét tính hiệu quả

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn bày tỏ, không cấm chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, tuy nhiên các địa phương, doanh nghiệp phải thực sự cân nhắc hiệu quả.

Chiều 5/5, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, trả lời câu hỏi của báo chí về nghi ngại các chuyên gia nước ngoài là nguyên nhân gây bùng phát dịch COVID-19 tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định không cấm chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Thuấn cho rằng các địa phương, doanh nghiệp phải xem xét đúng người và thực sự đem lại hiệu quả về công việc và công tác phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Thủ tướng đã yêu cầu kích hoạt lại tổ công tác liên ngành gồm 5 bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Y tế, GTVT để xem xét tùy vào từng trường hợp để đưa chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam. Ông Thuấn cũng nhấn mạnh việc đưa chuyên gia vào phải hiệu quả nhưng cũng phải an toàn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trả lời tại buổi họp báo.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trả lời tại buổi họp báo.

Thông tin về kế hoạch nhập khẩu và sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết Bộ đang nỗ lực bằng nhiều cách khác nhau để tiếp cận mua vaccine sớm nhất, kể cả qua các nguồn trực tiếp và gián tiếp.

Dự kiến trong năm 2021, đầu năm 2022, Việt Nam có các nguồn vaccine gồm: 38,9 triệu liều vaccine Astra Zeneca do chương trình Covax hỗ trợ; 30 triệu liều Astra Zeneca do VNVC đặt mua. Đồng thời, Bộ Y tế đang đàm phán với Plizer để có 31 triệu liều vaccine này vào cuối năm 2021.

Ngoài ra, ông Thuấn cho biết, một số nước, tổ chức cũng xác nhận sẽ viện trợ Việt Nam khoảng 2 triệu liều vaccine. Đặc biệt, một số nước trên thế giới đã xác nhận sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam, trong đó có Nhật Bản.

"Thủ tướng đã chỉ đạo sắp tới tôi sẽ sang Nhật Bản để đàm phàn chuyển giao công nghệ và Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường sẽ đi Nga đàm phán mua vaccine", ông Thuấn nói.

Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác đồng ý chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mới nhất cho Việt Nam, là công nghệ MRNA mà hãng Plizer và Moderna đang sử dụng. Trong tháng 5 này, Bộ sẽ bàn cụ thể hơn với WHO và các đối tác về chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.

Về việc sản xuất vaccine trong nước, hiện đang có hai đơn vị đang thử nghiệm. Vaccine Nano Covax sắp thử nghiệm giai đonạ 3.

"Nếu không may dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam, Bộ Y tế sẽ xem xét phê duyệt vaccine Nano Covax khi đã thử nghiệm thành công được một nửa ở giai đoạn thứ 3", ông Thuấn cho hay.

Xuân Trường

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bo-y-te-khong-cam-chuyen-gia-nuoc-ngoai-nhap-canh-nhung-xem-xet-tinh-hieu-qua-ar610493.html