Bộ Y tế kêu gọi người dân hỗ trợ phòng,chống dịch bệnh vào mùa

Trước diễn biến và nguy cơ bùng phát dịch bệnh, Bộ Y tế đã chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch tại TP.HCM và Hà Nội.

Sáng 13-10, Bộ Y tế phối hợp với UBND TP Hà Nội triển khai “Chiến dịch phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết”.

Hiện tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp như bệnh tay-chân-miệng (TCM) năm 2017 bùng phát tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Cụ thể là số ca mắc cao ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Macau (Trung Quốc), Malaysia và vẫn ghi nhận số mắc cao trong năm 2018.

Các bệnh dịch lưu hành trong nước đã được khống chế và kiểm soát tốt, số mắc các bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm dần qua các năm. Tuy vậy, trong thời gian gần đây bắt đầu có sự gia tăng bệnh TCM và sởi tại một số địa bàn nơi có tập trung đông dân cư, có sự giao lưu đi lại lớn, điều kiện sinh sống chật hẹp, chưa bảo đảm vệ sinh, ý thức người dân chưa cao như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội...

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại lễ phát động. Ảnh: HP

Trong thời gian tới tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều tiềm ẩn diễn biến phức tạp, nguy cơ bệnh mới nổi và nguy hiểm trên thế giới có khả năng xâm nhập vào nước ta. Các bệnh dịch lưu hành trong nước là TCM, sởi, sốt xuất huyết...

Phát biểu tại chương trình phát động, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ: Thông qua chiến dịch truyền thông này, ngành y tế kêu gọi sự tham gia tích cực của chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội và người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Nếu không có sự vào cuộc của chính quyền địa phương thì không chống dịch thành công.

Hướng dẫn rửa tay đúng cách tại Hà Nội sáng 13-10.

Nhân đây, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em). Đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Cạnh đó cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa... bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

HÀ PHƯỢNG

Nguồn PLO: http://plo.vn/suc-khoe/bo-y-te-keu-goi-nguoi-dan-ho-tro-phongchong-dich-benh-vao-mua-797470.html