Bộ Y tế công bố tài liệu về hướng dẫn thực hành Dược lâm sàng

Đây là tài liệu hướng dẫn đầu tiên cấp quốc gia về thực hành dược lâm sàng có tính pháp lý được soạn thảo bởi các chuyên gia đầu ngành cả nước dưới sự chủ trì của Bộ Y tế.

Ngày 30-10, tại TP.HCM, Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế tổ chức buổi lễ công bố tài liệu “Hướng dẫn thực hành Dược lâm sàng cho dược sĩ trong một số bệnh không lây nhiễm”.

Đây là tài liệu đầu tiên và có tính pháp lý về thực hành dược lâm sàng, được xây dựng bởi các nhà chuyên môn và những nhà thực hành lâm sàng đầu ngành trên khắp 3 miền nên nội dung khá phù hợp thực tiễn và tính chất vùng miền.

PGS.TS. BS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng cục Quản lý Khám chữa bệnh công bố tài liệu “Hướng dẫn thực hành Dược lâm sàng cho dược sĩ trong một số bệnh không lây nhiễm”

PGS.TS. BS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng cục Quản lý Khám chữa bệnh công bố tài liệu “Hướng dẫn thực hành Dược lâm sàng cho dược sĩ trong một số bệnh không lây nhiễm”

Theo các chuyên gia, tài liệu sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động dược lâm sàng Việt Nam: Kỷ nguyên của hành động vì chất lượng điều trị tối ưu cho bệnh nhân, một cách chuyên sâu và đồng bộ.

Tài liệu cung cấp cho các dược sĩ lâm sàng những hướng dẫn về thực hành thuốc cũng như các kiến thức về thuốc trong 3 bệnh lý thời sự nhất hiện nay: đái tháo đường, tim mạch, ung thư, nhằm thúc đẩy sử dụng thuốc hợp lý, nâng cao chất lượng điều trị, giảm chi phí y tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Dược lâm sàng là hoạt động thực hành thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe, trong đó người dược sĩ thực hiện vai trò tư vấn về thuốc cho thầy thuốc, giúp tối ưu hóa phác đồ điều trị; đồng thời thực hiện vai trò cung cấp thông tin, tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả cho cán bộ y tế và cho người bệnh.

Do đó, việc nâng cao năng lực thực hành dược lâm sàng rất quan trọng tại các bệnh viện cũng như với người dược sĩ theo đuổi chuyên ngành này.

GS.TS.BS. Mai Trọng Khoa giới thiệu tài liệu hướng dẫn thực hành dược lâm sàng

Theo các chuyên gia, một vấn đề rất lớn tồn tại trong y khoa là sai sót trong sử dụng thuốc. Điều này đã gây ra nhiều vấn đề như: Không phát huy được tối đa hiệu quả của thuốc; gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân, thậm chí tử vong; gia tăng chi phí cho ngành y tế.

Tại Anh, từ năm 2005 đến năm 2010 hơn 500.000 sai sót trong sử dụng thuốc đã được báo cáo. Trong đó, 16% các sai sót là gây hại trực tiếp cho bệnh nhân, và 0,9% gây tử vong. Tại Mỹ, ngành Y tế phát triển vượt bậc vẫn không ngăn được hơn 800.000 trường hợp phản ứng có hại nghiêm trọng của thuốc vào năm 2014, gây tử vong cho gần 124.000 người.

Theo thống kê trên cả nước năm 2018, trên 462 bệnh viện thuộc 57 tỉnh, số bệnh viện đã triển khai hoạt động dược lâm sàng một cách thường quy chỉ đạt 35,9%; 40% các câu trả lời cho biết các hoạt động phối hợp với nhân viên y tế khác đạt mức thỉnh thoảng trở lên.

Những lý do dẫn đến hạn chế này đã được chỉ ra, bao gồm: Người dược sĩ chưa được đào tạo chuyên sâu về kiến thức thực hành dược lâm sàng; tài liệu tra cứu chuyên biệt cho thực hành dược lâm sàng chưa được hệ thống hóa, một số dược sĩ chưa được đào tạo chuyên môn hóa theo từng chuyên khoa.

Như vậy, có thể nói, những khoảng trống cần lấp đầy về kiến thức thực hành dược lâm sàng đã khiến người dược sĩ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc ứng dụng dược lâm sàng tại nước ta vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ, chưa chuẩn hóa.

Tài liệu “Hướng dẫn thực hành Dược lâm sàng cho dược sĩ trong một số bệnh không lây nhiễm” là một phần quan trọng trong chương trình quốc gia “Nâng cao năng lực thực hành dược lâm sàng cho dược sĩ trong một số bệnh không lây nhiễm” giai đoạn 2018 – 2023 của Bộ Y tế. Ảnh: NĐ

Theo PGS.TS.BS.Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng cục Quản lý Khám chữa bệnh, tài liệu Hướng dẫn thực hành dược lâm sàng ra đời vừa đáp ứng được nhu cầu tiếp cận các kiến thức về thực hành dược lâm sàng chuẩn xác, khoa học, dễ áp dụng về các bệnh lý không lây nhiễm nổi cộm nhất hiện nay của người dược sĩ; vừa cung cấp cho ngành dược lâm sàng tài liệu chuyên khoa tin cậy; đồng thời góp phần lấp đầy những khoảng trống của hoạt động dược lâm sàng tại Việt Nam.

Đây là một dự án rất ý nghĩa cho ngành dược lâm sàng cũng như cộng đồng bệnh nhân Việt Nam, đồng thời giúp nâng tầm dược lâm sàng Việt Nam hội nhập cùng khu vực và thế giới.

Tài liệu “Hướng dẫn thực hành Ddợc lâm sàng cho dược sĩ trong một số bệnh không lây nhiễm” là một phần quan trọng trong chương trình quốc gia “Nâng cao năng lực thực hành dược lâm sàng cho dược sĩ trong một số bệnh không lây nhiễm” giai đoạn 2018 – 2023 của Bộ Y tế.

PGS.TS. BS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng cục Quản lý Khám chữa bệnh

Có mặt tại buổi lễ, bà Dr. Josefine Wallat, Tổng lãnh sự quán Đức đã chúc mừng Bộ Y tế Việt Nam vì công trình ý nghĩa, thể hiện tầm nhìn tốt trong việc quản lý chăm sóc sức khỏe người dân, bắt kịp xu hướng phát triển dược lâm sàng trên thế giới.

Ngoài ra, bà cũng đánh giá cao sự nỗ lực của Merck Export GmbH Việt Nam (Merck – một tập đoàn dược phẩm đến từ Đức) trong việc hỗ trợ các giải pháp chăm sóc sức khỏe cũng như giáo dục y tế cho Việt Nam.

Tài liệu "Hướng dẫn thực hành dược lâm sàng cho dược sĩ trong một số bệnh không lây nhiễm" được xây dựng bởi 38 thành viên, chuyên gia đến từ 2 trường đại học, 17 bệnh viện và 5 hiệp hội trên cả nước dưới sự giám sát chặt chẽ của Cục quản lý Khám Chữa bệnh – Bộ Y tế.

Ngoài ra, quyển sách cũng được tham khảo bởi nguồn tài liệu phong phú với tổng 157 tài liệu nước ngoài và được kiểm duyệt chặt chẽ qua 3 tầng: Ban soạn thảo - Ban phản biện - Ban thẩm định, 12 vòng kiểm duyệt và gần 1.000 ý kiến đóng góp từ các chuyên gia nhằm đảm bảo cao nhất về chất lượng nội dung.

Tại buổi lễ công bố, tất cả các chuyên gia trong Ban dự án đã được đại diện Bộ Y tế trao kỷ niệm chương như một sự vinh danh xứng đáng cho những nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của dược lâm sàng Việt Nam.

PGS.TS.BS. Lương Ngọc Khuê vinh danh các thành viên trong ban thẩm định tài liệu hướng dẫn thực hành dược lâm sàng

Ngô Đồng

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/suc-khoe/bo-y-te-cong-bo-tai-lieu-huong-dan-thuc-hanh-duoc-lam-sang-trong-mot-so-benh-khong-lay-nhiem_82310.html