Bộ Y tế: Có phát ban, hành khách nhập cảnh phải liên hệ với cơ sở y tế

Bộ Y tế khuyến cáo, hành khách nhập cảnh vào Việt Nam cần chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày từ ngày nhập cảnh.

Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống bệnh đậu mùa khỉ

Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống bệnh đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ gây ra 5 triệu chứng phổ biến dưới đây mà Bộ Y tế đưa ra:

- Phát ban với mụn nước trên mặt, tay, chân, mắt, miệng hoặc bộ phận sinh dục

- Sốt

- Sưng hạch bạch huyết

- Đau đầu

- Đau cơ, lưng

Ai cũng có thể mắc hoặc làm lây truyền bệnh đậu mùa khỉ

Đa số các ca bệnh là thể nhẹ. Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài 2-3 tuần. Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch.

Một số không điều trị đúng cách có thể có biến chứng như nhiễm khuẩn huyết, bội nhiễm phổi… Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, phòng ngừa biến chứng, phòng lây nhiễm.

Bộ Y tế khuyến cáo, hành khách nhập cảnh vào Việt Nam cần chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày từ ngày nhập cảnh. Khi có dấu hiệu phát ban hoặc các triệu chứng kể trên, hãy tự cách ly và liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị kịp thời.

6 khuyến cáo phòng chống bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế

Các đường lây truyền

Theo Bộ Y tế, có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ khi tiếp xúc gần với người bệnh, thông qua các con đường sau:

- Tiếp xúc gần trong vòng 1m với người bệnh có triệu chứng

- Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, bao gồm tiếp xúc da với da và quan hệ tình dục

- Sống cùng nơi ở/nơi sinh hoạt với người bệnh

- Tiếp xúc trực tiếp với các vật dụng, đồ dùng của người bệnh (quần áo, chăn, chiếu, gối…)

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, virus đậu mùa khỉ có 2 chủng lưu hành chính là ở Trung Phi và Tây Phi. Trong đó, chủng virus lưu hành ở Tây Phi có biểu hiện bệnh nhẹ hơn. Hầu hết các trường hợp ghi nhận bên ngoài châu Phi ở châu Âu, châu Mỹ và các nước khác là mắc chủng Tây Phi. Điều này cũng tương tự với ca bệnh tại Việt Nam.

Hiện nay tỷ lệ chết/mắc của chủng lưu hành ở Tây Phi thấp hơn chủng virus lưu hành ở Trung Phi. Dù vậy, theo GS Lân cần có đánh giá dịch tễ sâu hơn nữa, các trường hợp mắc hiện chưa phải là đối tượng, lứa tuổi có nguy cơ cao diễn biến nặng như trẻ em, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch.

Đến nay, bệnh đậu mùa khỉ đã ghi nhận bên ngoài vùng lưu hành trên 106 nước. Với tần suất ca mắc trên địa bàn rộng, giao lưu đi lại không hạn chế, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam là hiện hữu.

Ông khuyến cáo mỗi người dân khi có yếu tố dịch tễ, lâm sàng như từng tiếp xúc với người đã dương tính với đậu mùa khỉ hoặc người có nghi ngờ thì cần tránh tiếp xúc với người khác.

Bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp gần, chủ yếu là những hoạt động liên quan tiếp xúc gần như da với da, miệng với da, mặt với mặt một cách đối diện trong nói, giao tiếp. Thực tế là các hoạt động tình dục với những người có nguy cơ cao là hình thức tiếp xúc nhiều hơn nên có nguy cơ mắc cao hơn.

Minh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/bo-y-te-co-phat-ban-hanh-khach-nhap-canh-phai-lien-he-voi-co-so-y-te-i302447/