Bộ Y tế biểu dương 66 cô đỡ thôn bản tiêu biểu

Chiều 28/2, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị biểu dương 66 cô đỡ thôn bản tiêu biểu, đại diện cho gần 3.000 cô đỡ từ các vùng miền khác nhau trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho các cô đỡ thôn bản tiêu biểu

Cô đỡ thôn bản là những người dân tộc thiểu số, được lựa chọn từ chính cộng đồng dân tộc tại địa phương. Họ được tham gia khóa đào tạo về y tế kéo dài 9 tháng để cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn cho phụ nữ đang mang thai tại các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, trong đó có các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em. Tỷ suất tử vong mẹ tại Việt Nam đã giảm mạnh từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn 69/100.000 trẻ đẻ sống năm 2009 và chỉ còn khoảng 58/100.000 theo con số ước tính của Tổng cục Thống kê năm 2015. Tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi giảm từ 58 phần nghìn năm 1990 xuống còn 21,8 phần nghìn năm 2016; tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi cũng giảm từ 44,4 phần nghìn xuống còn 14,5 phần nghìn.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, thành công này có đóng góp không nhỏ của cô đỡ thôn bản trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như: sự khác biệt đáng kể về tình trạng sức khỏe, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, các nhóm dân tộc; đặc biệt tử vong mẹ, tử vong trẻ em ở khu vực miền núi vẫn cao hơn từ 3 - 4 lần so với khu vực đồng bằng và thành thị.

Nhận thức được những khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, Bộ Y tế đã có chủ trương đào tạo các cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số cho các vùng khó khăn, và Liên minh châu Âu (EU) là nhà hỗ trợ lớn tại Việt Nam trong lĩnh vực y tế, trong đó tập trung vào các tỉnh nghèo nhất và những huyện lỵ gặp nhiều khó khăn. Và chương giúp đào tạo các cán bộ y tế trong dự án “Cô đỡ thôn” bản là một điển hình.

Theo các chuyên gia, cô đỡ thôn bản có cùng văn hóa, phong tục tập quán nên dễ dàng tiếp cận và sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để tuyên truyền, vận động, cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản... Vì vậy, đây được coi như một giải pháp tạm thời nhưng rất hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, nhằm giúp gỡ bỏ những rào cản về địa lý, văn hóa và tài chính làm cho người phụ nữ dân tộc thiểu số không thể tiếp cận được các dịch vụ làm mẹ an toàn.

Tại hội nghị, đã có 6 tập thể và 93 cá nhân đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/bo-y-te-bieu-duong-66-co-do-thon-ban-tieu-bieu.html