Bờ Y những ngày không yên

Từ ngày đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, khu vực cửa khẩu quốc tế (CKQT) Bờ Y thuộc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum trở nên trầm lắng. Các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua lại biên giới buộc phải tạm dừng. CKQT Bờ Y - nơi được mệnh danh là đầu mối giao thông quan trọng bậc nhất trên vùng 'tam giác phát triển' có thời điểm không một bóng người qua lại. Tuy nhiên, ẩn giấu bên trong sự trầm lắng ấy, Bờ Y đã trải qua những ngày không yên...

Hai đối tượng Thao Vôn và Y Côi, cùng trú tại thôn Đắk Mế, xã Pờ Y bị bắt giữ ngày 23-6. Ảnh: Thái Kim Nga

Hai đối tượng Thao Vôn và Y Côi, cùng trú tại thôn Đắk Mế, xã Pờ Y bị bắt giữ ngày 23-6. Ảnh: Thái Kim Nga

Điệp khúc "mùa con ong đi lấy mật"

Do nhu cầu canh tác, đúng hơn là xuất phát từ thực trạng mua bán đất đai tràn lan trong những năm gần đây, dẫn đến việc thiếu đất sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ: Nhà nông "chính hãng" thì không đủ đất sản xuất, trong khi những đại gia lắm tiền nhiều của - những người hoàn toàn không biết gì đến quy trình làm ra... hạt lúa thì lại sở hữu hàng chục, có khi hàng trăm héc ta đất sản xuất. Nếu xem người đi mua đất giống như bà nội trợ đi chợ thì họ hoàn toàn không có lỗi, nhưng nên nhớ đất sản xuất nông nghiệp là sự sống còn của người nông dân. Khi nhà nông mất đất (hoặc thiếu đất) sản xuất thì ở tầm quốc gia là sự hụt hẫng trong quy hoạch nền nông nghiệp phát triển bền vững. Còn ở từng địa bàn cụ thể nảy sinh những hệ lụy rất nguy hiểm. Nó không chỉ tạo ra "đất sống" cho cái nghèo, mà còn “châm lửa” cho những cuộc tranh chấp đất đai, gây mất trật tự an ninh nông thôn, xâm hại đến những cánh rừng nguyên sinh và quỹ đất dành để phát triển lâm nghiệp.

Với xã biên giới Pờ Y, huyện Ngọc Hồi cũng không phải là ngoại lệ. Đáng ngại hơn, nhân dân ở một số thôn như Đắk Mế, Đắk Răng, Iệc lên tận khu vực sát đường biên giới chặt phát rừng hình thành nương rẫy mới, hoặc cơi nới lấn chiếm đất lâm nghiệp. Năm nào cũng vậy, khi mùa mưa chấm dứt, nhất là thời điểm từ sau Tết Nguyên đán trở đi là điệp khúc "mùa em đi phát rẫy làm nương" lại rậm rực cất lên từ đất làng.

Để ngăn chặn tình trạng bà con lên biên giới phát rẫy trái phép thì đương nhiên, các lực lượng chức năng, mà cụ thể ở đây là Đồn Biên phòng CKQT Bờ Y và chính quyền cơ sở lại phải căng mình vận động, thuyết phục. Bà con đi đến đâu thì phải theo sát đến đó, bởi nếu "hở ra một chút" để cây trồng đâm chồi, bám rễ thì việc cưỡng chế giải tỏa sẽ khó gấp trăm lần.

Đại úy A Hùng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng CKQT Bờ Y cho biết: "Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, đơn vị đã dốc sức cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 với việc triển khai các tổ chốt ngăn chặn trên biên giới. Lực lượng tuy mỏng vì phải tăng cường làm nhiệm vụ chống dịch, song chúng tôi vẫn luôn bám sát địa bàn dân cư để cùng với chính quyền địa phương giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, trong đó có tình trạng lấn chiếm, cơi nới nương rẫy trên biên giới.

Thời gian qua, nhờ bám nắm chặt chẽ địa bàn, chúng tôi đã phát hiện, xử lý hàng chục hộ dân ở thôn Đắk Răng vi phạm. Bà con cũng đã ký cam kết không tái phạm, nhưng chắc chắn tình trạng này sẽ tái diễn nếu không có giải pháp căn cơ. Và những người lính Biên phòng lại phải vào cuộc quyết liệt nhất...".

Rát bỏng cuộc chiến chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia

Đúng như nhận định của lực lượng chức năng, CKQT Bờ Y đã thực sự trở thành "cung đường ma túy" trọng điểm trên tuyến biên giới Tây Nguyên.

Liên tiếp từ ngày 14-3 (thời điểm phá Chuyên án 918 Lv) đến nay, Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP), BĐBP Kon Tum phối hợp với Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Trung (Đoàn 2), Cục PCMT&TP BĐBP; Đồn Biên phòng CKQT Bờ Y và các lực lượng chức năng khác trên địa bàn đã phát hiện, bắt giữ 4 vụ mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới với 10 đối tượng tội phạm (5 đối tượng có quốc tịch Lào). Tang vật thu giữ gồm 60.000 viên ma túy tổng hợp, 9kg ma túy dạng đá, 1,3kg ma túy tổng hợp Ketamin cùng một số phương tiện, tang vật có liên quan khác.

Điều đáng nói là ngoài 5 đối tượng mang quốc tịch Lào trong Chuyên án 918 Lv thì số còn lại đều là "công dân" của một ngôi làng người dân tộc Brâu đang được Nhà nước bảo tồn đặc biệt (thôn Đắk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Mặc dù vậy, những tên tội phạm ma túy mang dáng dấp "hồn Trương Ba, da hàng thịt" này hoàn toàn không ngờ nghệch như chúng ta vẫn nghĩ, mà ngược lại, rất tinh vi, xảo quyệt và liều lĩnh. Tất cả các "phi vụ làm ăn" đều được các đối tượng tính toán hết sức kỹ lưỡng trước khi đưa "hàng" qua biên giới, từ giao dịch, số lượng, chủng loại đến không gian, thời gian và đường hướng vận chuyển. Khi bị lực lượng chức năng truy bắt, chúng sẵn sàng chống trả bằng vũ khí “nóng” (súng quân dụng, súng độ chế, dao, rựa). Số lượng ma túy qua biên giới ngày càng lớn, tần suất vụ việc ngày càng dày đặc hơn. Có những vụ xảy ra chỉ cách nhau đúng 24 giờ đồng hồ khiến cho nhà tạm giữ của Đồn Biên phòng CKQT Bờ Y trở nên... chật chội.

Đơn cử, vào ngày 23-6, tại địa bàn thôn Bắc Phong, xã Pờ Y, Đoàn 2 phối hợp với Phòng PCMT&TP, BĐBP Kon Tum và Đồn Biên phòng CKQT Bờ Y bắt quả tang 2 đối tượng Thao Vôn (quốc tịch Lào) và Y Côi, đều trú tại thôn Đắk Mế, xã Pờ Y đang mua bán, vận chuyển 1,3kg ma túy tổng hợp (Ketamin). Đúng 24 giờ sau, lực lượng PCMT&TP BĐBP lại triển khai thế trận đón lõng tại khu vực mốc 2.1 biên giới Việt Nam-Campuchia bắt quả tang đối tượng Hà Văn Ân (dân tộc Thái), trú tại thôn Đắk Mế, xã Pờ Y đang vận chuyển 6kg ma túy tổng hợp dạng đá qua biên giới. 2 vụ án xảy ra liên tiếp trên cùng một địa bàn, đối tượng cùng sống chung khu dân cư (thôn Đắk Mế) nhưng đều là những “mắt xích” riêng biệt, hoàn toàn không liên hệ với nhau.

Đại tá QB (xin được giấu tên) - người trực tiếp chỉ huy các chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh PCMT&TP, BĐBP Kon Tum chia sẻ với chúng tôi: "Để có được thành tích đánh án nêu trên, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu, thu thập, phân tích, sàng lọc thông tin liên quan đến đối tượng để đưa ra phương án đánh nhanh, gọn, bí mật và an toàn nhất. Có những vụ, trinh sát phải dày công hàng chục, thậm chí là hàng trăm ngày đêm, ăn rừng, ngủ bụi lần tìm, xác định manh mối để khi thời cơ đến là dốc toàn lực tung lưới bắt gọn ngay. Chúng tôi kiến nghị, đối với một số vụ án xảy ra gần đây, sau khi hoàn chỉnh hồ sơ, cần nhanh chóng đưa tội phạm ra xét xử công khai, lưu động ngay tại địa bàn để tăng cường tính răn đe cho những đối tượng khác. Có như thế mới từng bước chuyển hóa địa bàn, ổn định an ninh trên khu vực biên giới, từng bước xây dựng CKQT Bờ Y trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn cả trên lĩnh vực kinh tế, giao lưu văn hóa, xã hội và hợp tác quốc tế...".

Bờ Y - vùng cửa ngõ trọng điểm trên vùng “tam giác phát triển” Việt Nam-Lào-Campuchia lại trở về với sự trầm lắng vốn có của mình, nhưng đối với người lính Biên phòng, chuỗi ngày không yên vẫn lặng đến rồi lặng đi.

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bo-y-nhung-ngay-khong-yen-post430512.html