Bỏ xe vi phạm để né thổi đo nồng độ cồn, xử lý sao?

Những trường hợp cố tình chống đối để không thổi nồng độ cồn sẽ bị chế tài phạt ở khung cao nhất đối với hành vi vi phạm này.

Thời gian gần đây, khi lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) liên tục kiểm tra xử phạt đối với những hành vi vi phạm nồng độ cồn thì xuất hiện trường hợp một số tài xế dùng chiêu trò để đối phó lại. Ví như khi gặp chốt CSGT và bị yêu cầu dừng xe thì tài xế để lại xe rồi bỏ đi.

Hoặc cũng có một số trường hợp tài xế bỏ xe tại đó bắt xe ôm công nghệ đi về, cương quyết không hợp tác để thổi nồng độ cồn.

Liên quan đến hành vi chống đối, sử dụng chiêu trò để không thổi nồng độ cồn nhiều bạn đọc thắc mắc đối với những trường hợp như vậy sẽ bị xử lý như thế nào.

Luật sư Nguyễn Tri Đức, Đoàn Luật sư TP. HCM, cho biết: Khoản 10 Điều 5 Nghị định 100/2019 quy định phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô nếu trong hơi thở vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Tại điểm b khoản này cũng nêu rõ trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ cũng phạt phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng.

Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng.

Tương tự đối với người điều khiển xe máy phạt tiền từ 6 triệu đến 8 triệu đồng đối với trường hợp trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.

Ngoài bị phạt tiền người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng.

Do vậy, những trường hợp cố tình chống đối để không thổi nồng độ cồn sẽ bị chế tài phạt ở khung cao nhất đối với hành vi vi phạm này.

ĐẶNG LÊ

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/bo-xe-vi-pham-de-ne-thoi-do-nong-do-con-xu-ly-sao-882310.html