Bỏ xe máy đi xe đạp

Nhiều bạn trẻ tại TP.HCM tìm đến xe đạp để rèn luyện sức khỏe, đồng thời đi khắp nơi bằng chính sức mình.

Các bạn trẻ ngày càng ưa thích đi xe đạp - Ảnh: T.Đ

Chu Chu Phụng (tên thường gọi Chu Chu), nhân viên văn phòng tại TP.HCM, từ bỏ xe máy cách đây hơn 2 năm để đến với xe đạp. Vốn là vận động viên bóng chuyền, khi được cô bạn rủ rê đạp xe địa hình và tham gia một cuộc thi, Chu Chu nhận lời và… thất bại. “Thế nhưng, sau lần đó mình đâm nghiện xe đạp”, Chu Chu nói.

Lê Trần Anh Đức, học lớp 9 Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.11, TP.HCM kể: “Năm lớp 7 em ốm teo, lùn tẹt, cao 1,47 m. Thấy bạn bè đạp xe, em tìm hiểu lợi ích của môn này và tham gia. Sau 2 năm, giờ em cao 1,67 m, không còn ốm yếu như trước. Đó là động lực khiến em yêu xe đạp hơn”.

Không như trước đây chủ yếu sử dụng xe đạp loại phổ thông, ngày nay các bạn trẻ chuộng xe thể thao đường trường hoặc xe địa hình. Thông thường, người chơi xe đạp sẽ thành lập hội, nhóm trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và duy trì động lực để đạp.

Sau những ngày rong ruổi trong thành phố đi học, đi làm, các nhóm sẽ có những chuyến đạp xe trên các cung đường đẹp hoặc đến những điểm du lịch hấp dẫn.

Mỗi tháng, Lê Trần Anh Đức cùng nhóm bạn sẽ chinh phục một điểm đến như: TP.Vũng Tàu, Cần Giờ... đi về trong ngày, kinh phí không quá 150.000 đồng/chuyến.

Với những bạn trẻ đã đi làm, có thu nhập, họ sẽ chinh phục những cung đường xa hơn, thậm chí cùng rong ruổi xe đạp sang tận Campuchia, Thái Lan hoặc phượt ở những cánh rừng.

“Cái thích của việc đạp xe là có thể đi đến bất cứ đâu mình muốn bằng chính sức mình. Trên đường có thể thỏa thích ngừng lại chụp ảnh, ghi lại những khoảnh khắc đẹp, vừa đạp xe vừa nghĩ ngợi, ngắm cảnh vật xung quanh rất hào hứng”, Lê Trần Anh Đức nói.

Với Chu Chu, những ngày đầu cưỡi xe đạp địa hình ra phố, rất nhiều ánh mắt đổ dồn về phía cô vì trông cô khá “ngầu”. Dẫu vậy, Chu Chu vẫn kiên trì làm điều mình thích. “Ra đường phố đông đúc nhưng với chiếc xe đạp nhỏ gọn mình dễ dàng luồn lách. Tuy có lúc bị ô tô ép, nguy hiểm nhưng đó cũng là thử thách, vượt qua sẽ rất thú vị”.

Nói về cái khó của việc đi xe đạp, Chu Chu cho biết là con gái phải đối diện nỗi sợ nắng, sợ đen, mồ hôi và mệt mỏi. Khi vượt đường xa sẽ gặp nhiều trở ngại, nhất là phải sửa xe khi gặp sự cố.

Trước sự nở rộ của phong trào đạp xe, nhiều bạn trẻ đã tổ chức các sân chơi thu hút nhiều người tham gia. Nguyễn Đình Hiếu (Hiếu Kingfisher), ông chủ của loại hình đạp xe xuyên rừng, cho biết: “Những chuyến đạp xe xuyên rừng Nam Cát Tiên, Hiếu Liêm, Mã Đà (tỉnh Đồng Nai) với số lượng 30 người mỗi nhóm, độ tuổi từ 18 trở lên đang hút các bạn trẻ. Những cung đường rừng rất thích hợp cho những ai yêu thích xe đạp địa hình. Được khám phá, hòa mình với thiên nhiên, rời xa thành phố… là những cảm giác rất lạ đối với nhiều bạn trẻ”.

Đạp xe tưởng dễ nhưng rất khó, khó nhất là duy trì được thói quen, sở thích đạp khi sự lười biếng dễ xuất hiện vì đã có xe máy, ô tô bên cạnh.

“Điều cần nhất là ở ý chí, nếu đã quyết tâm yêu xe đạp thì hãy hòa nhập từ từ, nên kết bạn với những người cùng đam mê. Đưa ra những lý do vì sao mình không thể đạp xe và giải quyết nó nếu không đạp nữa. Hãy nghĩ xe đạp đã mang đến niềm vui và lợi ích cho mình như thế nào để mà theo nó”, Chu Chu đưa ra lời khuyên.

Thanh Đông

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/bo-xe-may-di-xe-dap-642748.html