Bộ Xây dựng: Không có vùng cấm với cá nhân, tổ chức vi phạm xây dựng

Bộ Xây dựng khẳng định, không có vùng cấm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự xây dựng. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức có thẩm quyền để xảy ra vi phạm có hành vi dung túng, bao che cho hành vi vi phạm.

Xử nghiêm cán bộ dung túng, bao che cho vi phạm

Vừa qua cử tri phản ánh, tại nhiều địa phương đang diễn ra việc xây dựng trái phép, việc phân lô bán nền tràn lan ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai và phá vỡ quy hoạch phát triển của từng địa phương.

Bên cạnh đó, công tác quản lý xây dựng tại nhiều địa phương bộc lộ điểm yếu, bất cập dẫn đến nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép gần hoàn thiện mới được phát hiện, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý.

Từ thực tế trên, cử tri đề nghị có biện pháp mạnh kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm, tránh tình trạng “việc đã rồi”.

 Dự án Hinode City gần 5.000 tỷ liên tiếp vi phạm từ trật tự xây dựng đến PCCC

Dự án Hinode City gần 5.000 tỷ liên tiếp vi phạm từ trật tự xây dựng đến PCCC

Trả lời về vấn đề này, Bộ Xây dựng thừa nhận, tại một số địa phương tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng còn diễn biến phức tạp, chưa được xử lý nghiêm túc, thiếu kiên quyết, dứt điểm, còn xảy ra tình trạng như cử tri đã phản ánh.

Để xử lý nghiêm vi phạm, theo Bộ Xây dựng, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước thực thi nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng, các bộ, ngành và các địa phương sẽ tiếp tục thực hiện hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, khắc phục những hạn chế bất cập trong thực tiễn…

Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, không chồng chéo, tập trung thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch, cấp phép, quản lý theo quy hoạch, giấy phép được cấp.

Đặc biệt Bộ Xây dựng nhấn mạnh, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Qua thanh tra phân tích, đánh giá tình hình xử lý vi phạm, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo quy định.

Dự án Hinode City chưa được nghiệm thu hoàn thành, chưa được chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy…chủ đầu tư cho cư dân về ở bất chấp an toàn và quy định pháp luật.

"Tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, cán bộ được giao quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn trong công tác kiểm tra, giám sát các công trình ngay từ giai đoạn khởi công đến khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức có thẩm quyền để xảy ra vi phạm mà không xử lý, xử lý không kịp thời, không triệt để hoặc có hành vi dung túng, bao che cho hành vi vi phạm", Bộ Xây dựng nêu.

Chủ đầu tư coi thường pháp luật, không ngán xử phạt

Thực tế cho thấy, tại nhiều địa phương tình hình vi phạm trật tự xây dựng bộc lộ nhiều bất cập trong quản lý của chính quyền. Như tại Hà Nội, nhiều dự án với mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng liên tiếp vi phạm từ trật tự xây dựng đến PCCC với hàng loạt “trát phạt”.

Có thể kể đến như vi phạm tại dự án Hinode City 201 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) của Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng (Vietracimex). Tháng 6 vừa qua, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), Bộ Công an đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Vietracimex do ông Võ Nhật Thăng làm đại diện pháp luật 103 triệu đồng do thi công, lắp đặt không đúng thiết kế về PCCC đã được cơ quan chức năng thẩm duyệt và đưa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC.

Chỉ 2 ngày sau quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Bộ Công an, UBND quận Hai Bà Trưng có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Vietracimex do đã có hành vi bàn giao, đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan chức năng. Hành vi vi phạm trên bị xử phạt 75 triệu đồng.

Công viên nước Thanh Hà xây dựng trên diện tích đất không quy hoạch công viên nước (quy hoạch phê duyệt là đất công cộng, cây xanh thể dục thể thao thành phố, khu ở), xây dựng không phép...

Cũng phải nói thêm rằng, đây không phải lần đầu tiên UBND quận Hai Bà Trưng có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Vietracimex. Trước đó vào tháng 9/2019, chủ đầu tư công trình số 201 Minh Khai đã bị xử phạt 40 triệu đồng do “Tổ chức thi công xây dựng sai Giấy phép xây dựng (GPXD) được cấp”. Tại quyết định xử phạt này, UBND quận yêu cầu chủ đầu tư trong thời gian 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, Vietracimex phải làm thủ tục đề nghị cơ quan thẩm quyền điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Tuy nhiên, hết thời hạn trên dự án vẫn chưa được cấp bổ sung GPXD, các sai phạm của chủ đầu tư vẫn không bị cưỡng chế phá dỡ. Thậm chí khi dự án đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch hợp thức hóa sai phạm, chưa được nghiệm thu công trình, PCCC đã cho dân vào ở bất chấp an toàn và quy định pháp luật.

PGS.TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) thẳng thắn đặt vấn đề: Việc công trình chưa được nghiệm thu đã đưa dân vào ở ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư thể hiện rõ sự vô trách nhiệm thì trách nhiệm của chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước ở đâu?

Hay tại Công viên nước Thanh Hà do Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) làm chủ đầu tư. Mới đây, Thanh tra Hà Nội vừa có thông báo chính thức kết luận về việc thanh tra trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra xây dựng trái phép và quá trình xử lý cưỡng chế Công viên nước Thanh Hà.

Theo đó, Thanh tra Hà Nội chỉ rõ chủ đầu tư xây dựng Công viên nước Thanh Hà là Công ty CP phát triển địa ốc Cienco 5 đã xây dựng công viên nước không có giấy phép xây dựng, vi phạm luật Xây dựng năm 2014.

Đáng nói, Công viên nước Thanh Hà được xây dựng trên đất không quy hoạch công viên nước (quy hoạch phê duyệt là đất công cộng thành phố và đất cây xanh thể dục thể thao thành phố, khu ở), sử dụng đất không đúng mục đích vi phạm luật Xây dựng 2014, luật Đất đai 2013.

Đặc biệt, theo kết luận thanh tra, sau khi cơ quan nhà nước lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng và yêu cầu dừng mọi hoạt động thi công xây dựng công trình vi phạm, chủ đầu tư vẫn thi công, hoàn thiện Công viên nước Thanh Hà.

Bộ Xây dựng khẳng định, không có vùng cấm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự xây dựng.

Tiếp đó, khi UBND quận Hà Đông ra quyết định áp dụng khắc phục hậu quả, sau 20 ngày, chủ đầu tư chỉ tháo dỡ mái che của 4 hạng mục, các hạng mục còn lại không tháo dỡ;

Đến khi UBND quận Hà Đông ra quyết định cưỡng chế yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng không phép trong vòng 15 ngày, nhưng sau thời hạn 15 ngày, chủ đầu tư không chấp hành tháo dỡ.

Buông lỏng quản lý, làm chiếu lệ, thiếu trách nhiệm

Thanh tra Hà Nội cũng chỉ rõ sai phạm của các tổ chức, cán bộ phường Phú Lương, quận Hà Đông (Hà Nội) khi để xảy ra hàng loạt sai phạm tại Công viên nước Thanh Hà.

Theo đó, Đội Thanh tra xây dựng quận đã buông lỏng quản lý, chậm phát hiện và xử lý hành vi vi phạm của chủ đầu tư; không phát hiện công trình xây dựng không phù hợp quy hoạch, không đúng vị trí; không đề xuất UBND quận ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, khắc phục hậu quả.

“Trách nhiệm quản lý về sự tuân thủ pháp luật là trách nhiệm của chính quyền. Còn nghĩa vụ của chủ đầu tư là phải tuân thủ pháp luật mà không tuân thủ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhà nước đã phân quyền trách nhiệm cho cơ quan quản lý thì phải quản lý sự tuân thủ pháp luật. Chủ đầu tư không tuân thủ vẫn cho dân vào ở mà chính quyền không quyết liệt xử lý là làm ngơ thiếu trách nhiệm” - PGS.TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng)

Thanh tra Hà Nội cho rằng, có dấu hiệu Đội Thanh tra xây dựng làm chiếu lệ, để công trình vi phạm được xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng, sau này phải cưỡng chế phá dỡ; gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan quản lý nhà nước.

Kết luận cũng nêu rõ, UBND phường đã cố ý không thực hiện chức trách nhiệm vụ, để công trình vi phạm được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng, sau này phải cưỡng chế phá dỡ; gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan quản lý Nhà nước.

Cũng theo Thanh tra Hà Nội, UBND quận đã thiếu trách nhiệm trong quản lý về quy hoạch, xây dựng, đất đai dẫn đến không phát hiện và kịp thời xử lý hành vi của Cienco 5 Land…Đối với UBND quận Hà Đông, Thanh tra Hà Nội nêu trách nhiệm trong công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, sử dụng đất đai và trật tự xây dựng là dù đã có chỉ đạo thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm, nhưng UBND phường Phú Lương không nghiêm túc thực hiện nhưng cũng không sát sao đôn đốc, cương quyết khiến sai phạm kéo dài.

Từ những sai phạm trên, Thanh tra thành phố Hà Nội kiến nghị UBND thành phố giao Sở Nội vụ căn cứ quy định pháp luật, kết luận thanh tra xem xét, đề xuất UBND thành phố xử lý trách nhiệm đối với ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch UBND quận Hà Đông và ông Vũ Ngọc Phụng, Chủ tịch UBND quận.

Đồng thời, kiến nghị UBND TP chỉ đạo quận Hà Đông tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến tồn tại, sai phạm trong việc để xảy ra xây dựng trái phép và tổ chức cưỡng chế công viên nước Thanh Hà.

“Khi chưa thể nghiệm thu thì không thể cho người dân vào ở. Đó là bắt buộc đồng nghĩa với việc không thể đưa vào sử dụng. Chưa hoàn tất các thủ tục mà đưa dân vào ở là vi phạm, phải xử lý” – Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng

Việt Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/du-an/bo-xay-dung-khong-co-vung-cam-voi-ca-nhan-to-chuc-vi-pham-xay-dung-671501.html