Bộ Xây dựng chậm trễ cổ phần hóa, vì sao?

Mặc dù đã có những chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhưng việc thoái vốn Nhà nước tại một số Tổng công ty do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu trong ngành xây dựng có tỷ lệ hoàn thành theo kế hoạch đạt thấp như: COMA, Sông Hồng, LICOGI…

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ và các bộ, ngành trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong năm 2018 là thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa.

Trong đó, Bộ Xây dựng đã ra các mục tiêu và triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi của người lao động và tối đa hóa lợi ích của nhà nước.

Được biết, 16 doanh nghiệp (12 Tổng công ty-công ty cổ phần và 4 tổng công ty-công ty TNHH Một thành viên) thuộc Bộ Xây dựng nắm giữ khối tài sản rất lớn, diện tích đất đai rộng với hàng chục vạn lao động, Bộ sẽ thực hiện nghiêm túc chủ trương cổ phần hóa tại Quyết định số 58 của Thủ tướng.

Các doanh nghiệp gồm Tổng công ty: DIC, Sông Hồng, Bạch Đằng, VIGRACERA, VIWASEEN, Xây dựng Hà Nội, LICOGI, LILAMA, CC1, FICO, VNCC, COMA, HUD, Sông Đà, IDICO và VICEM. Trong đó, 12 doanh nghiệp đã được Bộ Xây dựng thực hiện cổ phần hóa, 4 doanh nghiệp còn lại là Sông Đà, IDICO, HUD, Vicem mới được bổ sung.

Trụ sở Tổng công ty HUD tại ngã tư Lê Văn Lương - Nguyễn Tuân - Hoàng Minh Giám.

Trụ sở Tổng công ty HUD tại ngã tư Lê Văn Lương - Nguyễn Tuân - Hoàng Minh Giám.

Thực hiện Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ Xây dựng đã có kế hoạch thực hiện sắp xếp, tái cơ cấu toàn diện đối với 16 doanh nghiệp Bộ này làm đại diện chủ sở hữu ký ngày 31.5.2017.

Cụ thể, Bộ Xây dựng sẽ giữ nguyên tỉ lệ vốn Nhà nước như hiện tại ở Tổng công ty Licogi và chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) từ quý I.2017.

Nhóm 10 tổng công ty-công ty cổ phần (gồm Sông Hồng, DIC, Xây dựng Hà Nội, Bạch Đằng, VIWASEEN, COMA, VNCC, FICO, CC1, IDOCO) sẽ tiến hành thoái vốn nhà nước theo lộ trình đến hết năm 2018 về mức 0%.

Nhóm 5 tổng công ty (LILAMA, VICEM, Sông Đà, VIGRACERA, HUD) do nắm giữ khối tài sản lớn hay đã và đang tham gia xây dựng các công trình trọng yếu quốc gia sẽ thoái bớt vốn để Nhà nước giữ chi phối 51% đến hết năm 2019.

Sau hơn 7 năm khởi công, Dự án Trung tâm điều hành và Giao dịch VICEM (Cầu Giấy, Hà Nội) có tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng đến nay mới chỉ xây xong phần thô và đang trong tình trạng ngưng thi công gây lãng phí.

Liên quan đến công tác quản lý doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2018, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ này đã hoàn thành cổ phần hóa và chuyển 2 Tổng công ty Sông Đà và IDICO sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần; tổng số thu từ cổ phần hóa 2 Tổng công ty Sông Đà và Idico là 4.601,60 tỷ đồng, trong đó đã nộp về ngân sách nhà nước là 4.082,60 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng – CTCP, nộp về ngân sách nhà nước là 538,55 tỷ đồng; các Tổng công ty còn lại (gồm: VIGRACERA, VNCC, Xây dựng Hà Nội, FICO, LILAMA, CC1, VIWASEEN) đang hoàn thiện phương án để thực hiện thoái vốn theo kế hoạch được phê duyệt.

Tuy nhiên, vẫn còn một số Tổng công ty trong ngành xây dựng có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch đạt thấp như COMA, Sông Hồng, LICOGI. Quan điểm của Bộ Xây dựng khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp là phải thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Tổng công ty VICEM và HUD, yêu cầu 2 đơn vị này trên cơ sở thực tế tình hình triển khai, tiến hành rà soát, xây dựng chi tiết kế hoạch điều chỉnh cổ phần hóa.

Theo đó, Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị đề xuất thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp điều chỉnh để cổ phần hóa tổng công ty Vicem và HUD, đảm bảo khả thi, phù hợp với quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16.11.2017 của Chính phủ về chuyển Doanh nghiệp nhà nước và Công ty TNHH MTV do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành Công ty cổ phần và các quy định pháp luật hiện hành khác có liên quan.

Đồng thời báo cáo làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến việc chậm tiến độ cổ phần hóa theo kế hoạch đã được phê duyệt; nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; trách nhiệm cá nhân, tập thể (nếu có) theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

Thành Thái

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/bo-xay-dung-cham-tre-co-phan-hoa-vi-sao-923548.html