Bộ Xây dựng 'bật đèn xanh' hòa Hapulico, Bộ Tư pháp 'tuýt còi'?

Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn quy định thành lập Ban quản trị (BQT) nhà chung cư bắt buộc phải thông qua hội nghị nhà chung cư, tuy nhiên, Bộ Xây dựng đồng ý cho Công ty Hapulico làm theo cách khác quy định của luật.

Dự án Khu trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở cao cấp Hapulico (số 1 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) do Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Hapulico (viết tắt là Công ty Hapulico) làm chủ đầu tư gồm 8 tòa nhà, trong đó có 1 tòa văn phòng và 7 tòa chung cư với 802 căn hộ dân đang sinh sống.

Khu chung cư Hapulico được đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2012, nhưng 4 năm sau đó chủ đầu tư vẫn không tổ chức hội nghị nhà chung cư mặc dù người dân nhiều lần kiến nghị.

Nhiều mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư, BQT khu chung cư Hapulico trở nên căng thẳng trong thời gian qua.

Cuối năm 2016, một số cư dân trong khu chung cư đã vận động các hộ dân thành lập BQT lâm thời và Quy chế vận hành. Cũng lúc này, chủ đầu tư xúc bắt đầu thực hiện các hoạt động tổ chức Hội nghị nhà chung cư để bầu cử Ban quản trị chung cư và quyết định các vấn đề liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Hapulico đã tổ chức phiên trù bị hội nghị nhà chung cư lần thứ nhất tại chung cư Hapuilco ngày này 10.12.2016, nhưng số lượng các chủ sở hữu căn hộ tham dự chỉ chiếm 14,5% tổng số 802 căn hộ tại Hapulico.

Chợ thuốc hoạt động đông đúc, nhốn nháo trong khu chung cư Hapulico khiến cư dân bức xúc.

Ngày 16.1.2017, Công ty Hapulico có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị chấp thuận: “Thay việc tổ chức họp thông qua các quyết định của hội nghị nhà chung cư từ hình thức biểu quyết trực tiếp tại các cuộc họp bằng việc lấy ý kiến các chủ sở hữu căn hộ bằng văn bản để thông qua các quyết định của hội nghị nhà chung cư”.

Ngày 8.2.2017, Bộ Xây dựng có Công văn số 26/BXD-QLN do Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường Bất động sản Nguyễn Trọng Ninh ký cho rằng đề xuất của Công ty Hapulico là “phù hợp” theo quy định pháp luật. Từ đó, Ban quản trị chung cư Hapulico được thành lập theo hình thức “lấy phiếu ý kiến chủ sở hữu căn hộ” và được UBND quận Thanh Xuân ban hành Quyết định công nhận vào ngày 17.7.2017, với 18 thành viên, nhiệm kỳ hoạt động 3 năm.

Tuy nhiên, ngay sau khi BQT chung cư được thành lập và vận hành, nhiều cư dân Hapulico đã phản đối bằng cách gửi đơn, kiến nghị tới nhiều cơ quan chức năng quận Thanh Xuân bởi lý do nhiều thành viên Ban quản trị là người của chủ đầu tư, không đại diện cho cư dân. Hiện tại, Trưởng BQT chung cư Hapulico, ông Hoàng Tuấn Việt, là cán bộ Công ty Hapulico, ông Việt cũng không sinh sống tại khu chưng cư này.

Nhiều khu vực vỉa hè, sân trong khu chung cư thành nơi trông giữ xe.

Trả lời kiến nghị của cư dân Hapulico, ngày 19.10.2018, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp có văn bản trả lời đơn của công dân Hapulico, cho biết, theo quy định tại Khoản 2, Điều 102, luật Nhà ở, thì hội nghị nhà chung cư được tổ chức họp để quyết định đề cử, bầu, bãi miễn các thành viên Ban quản trị nhà chung cư; thông qua, bổ sung, sửa đổi nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư…

Tại khoản 3, Điều 12 về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm Thông tư số 02/2016 do Bộ Xây dựng ban hành ngày 15.2.2016 cũng nêu rõ điều kiện về số lượng người tham dự cuộc họp tối thiếu là 75% khi triệu tập nghị lần đầu và 50% khi triệu tập lần 2. Nếu không đủ số lượng người thì UBND phường nơi có nhà chung cư tổ chức hội nghị lần đầu.

Từ các quy định nêu trên, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng việc tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu Ban quản trị là yêu cầu bắt buộc. Mặt khác, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật khẳng định: Văn bản số 26/BXD-QLN là văn bản hành chính cá biệt, không phải là văn bản quy phạm pháp luật hoặc có chứa quy phạm pháp luật.

Trao đổi thêm về việc này, Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật Sư Hà Nội), cho biết theo quy định tại Thông tư 02/2016 của Bộ xây dựng, Hội nghị của cụm nhà chung cư được tổ chức khi có tối thiểu 50% số căn hộ của mỗi tòa nhà trong cụm đã được bàn giao (bao gồm cả số căn hộ mà chủ đầu tư giữ lại không bán) và có tối thiểu 75% đại diện Chủ sở hữu căn hộ của từng tòa nhà đã nhận bàn giao đưa vào sử dụng đồng ý nhập tòa nhà vào cụm nhà chung cư.

UBND cấp phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu khi có một trong các trường hợp sau đây: “Nhà chung cư đã được bàn giao đưa vào sử dụng quá thời hạn 12 tháng và đã có đủ 50% số căn hộ được bàn giao nhưng chủ đầu tư không tổ chức hội nghị nhà chung cư và có đơn của đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao đề nghị UBND phường tổ chức hội nghị. Chủ đầu tư đã tổ chức để họp Hội nghị nhà chung cư nhưng không có đủ số người tham dự hội nghị và chủ đầu tư hoặc đại diện chủ sở hữu căn hộ có văn bản đề nghị UBND cấp phường tổ chức hội nghị”.

Theo nhận định của luật sư Trần Tuấn Anh, việc tổ chức hội nghị chung cư lần đầu và thành lập BQT cụm chung cư Hapulico qua hình thức lấy phiếu ý kiến chủ sở hữu căn hộ không có trong quy định của Thông tư 02/2016 của Bộ xây dựng.

Vấn đề đặt ra, chủ đầu tư đã quá “nhanh nhẹn” khi xin ý kiến của Bộ Xây dựng thay vì yêu cầu UBND phường Thanh Xuân đứng ra tổ chức? Thực tế, những mâu thuẫn giữa cư dân và BQT tiếp tục xảy ra trong thời gian qua có xuất phát từ việc BQT được thành lập thiếu minh bạch hay không, điều này rất cần cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ.

Trần Kháng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/bo-tu-phap-tuy-coi-van-ban-ca-biet-khac-luat-cua-bo-xay-dung-923867.html