Bờ vực đổ vỡ

Mỹ và Iran đang tiếp tục có các động thái khiến giới phân tích và dư luận lo ngại về sự leo thang căng thẳng, có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến tranh nóng giữa Mỹ và Iran. Cộng đồng quốc tế kêu gọi các nước trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm P5+1, coi đây là một trong những cách thức để hạ nhiệt căng thẳng ở vùng Vịnh.

Chính quyền Mỹ đang áp dụng nhiều biện pháp kinh tế và quân sự nhằm gây sức ép với Iran. Tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố “không muốn có cuộc chiến nào với Iran”, song những động thái từ phía Mỹ vẫn khiến dư luận lo ngại về một cuộc chiến đang đến rất gần. Một số chuyên gia dự đoán, thời điểm hiện tại, Mỹ chưa ngay lập tức sử dụng vũ lực chống Iran. Nhưng, nếu tiếp tục thất vọng về kết quả của các biện pháp trừng phạt kinh tế và thể hiện sức mạnh Mỹ nhằm buộc Iran đàm phán, thì Tổng thống D.Trump có thể sẽ ra quyết định, nhất là khi một số đồng minh của Washington ở Trung Đông cũng kêu gọi tiến công Iran.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu các nhân viên chính phủ không làm nhiệm vụ khẩn cấp tại Iraq rời khỏi quốc gia nằm sát Iran này. Bộ này nói rằng, quyết định rút các nhân viên khỏi Iraq là dựa trên đánh giá về tình hình an ninh. Trong khi đó, liên quân do Mỹ dẫn đầu chống tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tại Iraq và Syria cũng được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, với lý do “lo ngại các mối đe dọa sắp xảy ra”. Dư luận rối bời, không rõ đây là bước chuẩn bị trước nguy cơ xảy ra một cuộc chiến mới ở khu vực, hay chỉ là “đòn gió”. Trong khi đó, một quan chức Mỹ cho biết, tên lửa của Iran đã được đưa lên những chiếc thuyền nhỏ ở vùng Vịnh. Tờ Thời báo New York của Mỹ đưa tin, Washington đã có những bức ảnh chụp từ trên không, do giới tình báo Mỹ cung cấp, về những tàu chở tên lửa của Iran ở vùng Vịnh, một trong những tuyến đường biển có tầm chiến lược nhất thế giới.

Đáp lại những động thái từ phía Mỹ, Phó Tư lệnh Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) M.Jokar tuyên bố, các tàu chiến Mỹ ở vùng Vịnh nằm trong tầm bắn của tên lửa Iran, đồng thời nhận định Washington không đủ sức cho một cuộc chiến tranh mới. Iran cũng bác bỏ khả năng đàm phán với Mỹ. Đại giáo chủ Iran Khamenei cho rằng, người Mỹ chỉ muốn lấy đi những điểm mạnh của Iran, như năng lực về phát triển tên lửa hay tầm ảnh hưởng chiến lược của Tehran ở khu vực. Ông Khamenei khẳng định, sẽ không có bất kỳ cuộc đàm phán nào với Mỹ chừng nào Washington còn theo đuổi chính sách thù địch chống Tehran.

Cộng đồng quốc tế kêu gọi cả Mỹ và Iran kiềm chế, tránh làm gia tăng căng thẳng. Bộ trưởng Ngoại giao Đức H.Maas cảnh báo về những tác động nghiêm trọng từ sự gia tăng đối đầu trong quan hệ giữa Mỹ và Iran. Tây Ban Nha tạm thời rút một tàu chiến khỏi nhóm tàu do Mỹ đứng đầu tại vùng Vịnh. Dù không đề cập lý do cho hành động này, song dư luận cho đây có thể là một dấu hiệu về bất đồng ngoại giao giữa châu Âu và Washington liên quan câu chuyện Iran.

Châu Âu cảnh báo, sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với châu Âu, cũng như khu vực Trung Đông. Các cường quốc châu Âu tham gia ký kết JCPOA (gồm Anh, Pháp và Đức) đã thiết lập cơ chế Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại để bảo đảm duy trì các hoạt động thương mại với Iran, giúp bảo đảm lợi ích của Tehran theo thỏa thuận sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA. Song, các nỗ lực của châu Âu chưa đủ để cứu vãn thỏa thuận.

Được xem là văn kiện quốc tế quan trọng nhằm chấm dứt đối đầu Mỹ - Iran, góp phần giảm nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân và bảo đảm an ninh khu vực, JCPOA đứng bên bờ vực đổ vỡ càng làm gia tăng căng thẳng ở vùng Vịnh. Bởi thế, trở lại thực thi thỏa thuận hạt nhân, cũng như thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin lẫn nhau là điều cấp thiết hiện nay, nhằm sớm giải tỏa “điểm nóng” lại đang tăng nhiệt ở khu vực Trung Đông.

HÀ ĐAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/40240902-bo-vuc-do-vo.html