Bỏ 'viên chức suốt đời' từ 1/7/2020

Chiều nay, 25/11, Quốc hội thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức với tỷ lệ 88,20% tổng số ĐBQH tán thành. Luật quy định đối với viên chức được tuyển dụng từ ngày Luật có hiệu lực thi hành, 1/7/2020, sẽ ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn.

Các trường hợp loại trừ áp dụng quy định trên gồm có cán bộ, công chức được chuyển sang làm viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật này; người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Với các viên chức đã được tuyển dụng trước khi Luật có hiệu lực cơ bản không có sự thay đổi về chế độ hợp đồng làm việc so với hiện hành.

Việc quy định như vậy là phù hợp với Điều 240 của Bộ luật Lao động hiện hành và Điều 220 của Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua.

Luật cũng đã quy định rõ việc xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu.

Theo đó, mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật.

Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.

Việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 1/7/2020 được thực hiện theo quy định của Luật này. Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật trước khi các đại biểu QH bấm nút thông qua, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ về hình thức xử lý, trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra để vừa bảo đảm tính răn đe, nghiêm khắc, nhưng bảo đảm tính nhân văn.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc thay hình thức kỷ luật “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” bằng hình thức kỷ luật giảm hoặc truất lương hưu vĩnh viễn kèm theo hậu quả pháp lý là tước bỏ hoặc cắt giảm các chế độ, chính sách đang được hưởng.

Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là một chủ trương lớn, cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Do đó, xin được quy định trong Luật nguyên tắc chung về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu; quy định cụ thể về hình thức xử lý kỷ luật, trong đó hình thức “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” là để bảo đảm thống nhất với hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng, đồng thời thực tiễn áp dụng trong thời gian qua cho thấy đã có hiệu quả nhất định, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân.

“Để thể hiện rõ hình thức kỷ luật gắn với hệ quả về vật chất, tinh thần, trong dự thảo Luật cũng đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

Hà Dung

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/bo-vien-chuc-suot-doi-tu-172020-481079.html