Bỏ 'viên chức suốt đời': Cú sốc với công chức cắp ô?

Quốc hội vừa thông qua quy định 'không giữ hợp đồng 'không xác định thời hạn' kể từ 1.7.2020' sẽ là dấu chấm hết cho dạng 'công chức cắp ô'.

Mới đây, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức với 426/454 đại biểu bấm nút tán thành (chiếm 88,20%). Một trong những điểm mới của luật là sẽ không giữ hợp đồng “không xác định thời hạn” kể từ 1/7/2020.

Điều này có nghĩa sau thời điểm 1/7/2020, khi các cơ quan đơn vị ký hợp đồng lao động với người lao động, sẽ không còn kiểu hợp đồng “không xác định thời hạn” nữa. Trước nay, chỉ cần ký được cái hợp đồng Viên chức “không xác định thời hạn” này thì cán bộ viên chức có thể xem như mình sẽ nghiễm nhiên có được cái danh xưng “viên chức suốt đời”, không ai đụng đến nữa dù chất lượng công việc, thái độ làm việc có tệ đến đâu.

Nếu bộ máy công quyền mà có rất nhiều những ông bà “viên chức suốt đời” đó thì cũng đủ hiểu, người dân sẽ phải mệt mỏi thế nào. Bởi hầu như không ai động đến họ, họ giống như một con ốc đã được gắn vào cỗ máy, không thể bị vứt bỏ đi, chỉ bởi cái danh xưng “viên chức suốt đời”. Họ sẽ là những “công chức cắp ô” sáng cắp ô đi tối cắp về, đến quán cà phê trước khi đến cơ quan, thiên hạ vội chứ mình đâu có vội.

Lại nói đến một con số rất đáng lo hiện nay, đó là số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách khoảng 11 triệu người, bao gồm cả các đối tượng chính sách. Đó là con số chính thức được cung cấp tại Hội nghị "Chính phủ và Chính quyền địa phương" do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 28/8/2018 (cập nhật đến tháng 3/2018).

Trên tổng dân số hơn 90 triệu dân mà có đến 11 triệu người đang hưởng lương từ ngân sách cũng đủ cho thấy một số lượng lớn tiền ngân sách đang được rót vào để nuôi lực lượng này. Trong khi đó, hiệu quả công việc của nhiều bộ phận hành chính nhà nước thì vẫn chưa được cải thiện nhiều, người dân vẫn còn phải kêu ca, phàn nàn khi đến làm việc với các bộ phận hành chính này.

Cá biệt, lại có những ông bà “viên chức suốt đời” còn lên mặt hành dân, nói năng cộc lốc, thô lỗ, đùa cợt, thái độ thiếu nghiêm túc, thiếu thiện chí mà báo chí đã phản ánh nhiều lần. Cũng có thể, họ tưởng rằng hành dân là một “đặc quyền, đặc lợi” của cái danh hiệu “viên chức suốt đời” chăng?

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ ngày 24/12/2018 về tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2018 cho thấy: Kết quả tinh giản biên chế, tính từ năm 2015 đến ngày 15/10/2018, tổng số biên chế cả nước đã được tinh giản là 40.500 người. Trong số đó, chiếm phần lớn vẫn là người hưởng chính sách về hưu trước tuổi với 34.948 người (chiếm gần 86,3%). Như vậy là công cuộc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy vẫn còn nhiều gian nan.

Hy vọng từ sau thời điểm 1/7/2020, số lượng các “công chức cắp ô” sẽ giảm đáng kể và tiến đến không còn tồn tại. Một xã hội văn minh không thể chấp nhận những công chức tồn tại vật vờ như người thừa, được các vị “ông, cha” gửi gắm vào bộ máy công quyền để lĩnh lương hàng tháng và nghĩ cách hành dân.

Mi An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/bo-vien-chuc-suot-doi-cu-soc-voi-cong-chuc-cap-o-3392178/