Bộ VHTTDL: Phải thay đổi cách thức tổ chức các lễ hội 'nóng', nếu không sẽ đề nghị tạm dừng

Tất cả các lễ hội còn những hiện tượng phản cảm sẽ phải thay đổi cách thức tổ chức. Nếu không Bộ VHTTDL sẽ đề nghị tạm dừng.

Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy tại Hội nghị Sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội Xuân Mậu Tuất 2018 diễn ra sáng 20/4 tại Hà Nội. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chủ trì Hội nghị.

Những chuyển biến tích cực

Theo Bộ VHTTDL, công tác quản lý nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội của ngành VHTTDL đã kịp thời điều chỉnh các vấn đề hạn chế từ mùa lễ hội năm 2017 như: công tác an ninh trật tự; các hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội; đổi tiền lẻ, đặt tiền lễ, tiền giọt dầu không đúng quy định, khấn thuê, chèo kéo khách, rút quẻ thẻ…tăng cường công tác thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chủ trì Hội nghị

Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm cũng được quan tâm. Thanh tra Bộ VHTTDL và Cục Văn hóa cơ sở đã thành lập các đoàn thanh, kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018, đảm bảo cho các lễ hội được diễn ra an toàn, lành mạnh, văn minh; giám sát, nhắc nhở và yêu cầu các địa phương, Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội chấn chỉnh các biểu hiện phản cảm, vi phạm nếp sống văn minh trong lễ hội.

Đối với một số lễ hội còn để xảy ra các hiện tượng chen lấn, xô đẩy, vi phạm thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các đơn vị chức năng đề xuất giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập tục, chủ động làm việc với cơ sở và có những chỉ đạo kịp thời để điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như tại lễ hội Đền Sóc (Hà Nội) không còn hiện tượng tranh giành cướp lộc. Hội làng Sơn Đồng (Lễ hội Giằng Bông- Hoài Đức, Hà Nội), rút ngắn thời gian giằng bông, không tổ chức trò chơi chọi gà nhằm loại trừ hiện tượng cờ bạc trá hình như các năm trước. BTC lễ hội Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) cũng vận động nhân dân hạn chế đốt vàng mã, đồ mã, sau khi lễ, đồ mã, vàng mã được gửi vào kho của nhà đền.

BTC Lễ hội Khai ấn Đền Trần (Nam Định) đã niêm yếu giá vé trông giữ xe công khai theo quy định, lập đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận, xử lý các sai phạm, lắp thêm các camera trong sân Đền để kiểm soát việc đại biểu và du khách ném tiền lẻ lên kiệu ấn; có phương án khắc phục hiện tượng “đưa tiền lấy ấn”... Lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc) đã tổ chức nghi lễ cướp chiếu thiêng với phương án đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ về di tích. BTC Lễ hội Chọi trâu Hải Lựu (Phú Thọ), Chọi trâu Phù Ninh (Vĩnh Phúc) đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ VHTTDL, đề ra các phương án đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội; kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm khi mổ trâu, niêm yết giá công khai…

Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa hoạt động lễ hội đã huy động được nhiều nguồn lực tham gia. Nguồn kinh phí thu được qua các nguồn thu công đức, các hoạt động dịch vụ đã được sử dụng tu bổ, tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội và phúc lợi công cộng. Nhiều lễ hội dân gian có quy mô lớn như Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), Lễ hội Côn Sơn- Kiếp Bạc (Hải Dương), Lễ hội Phủ Dày (Nam Định), Lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang), Lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh)… được đầu tư tổ chức phần hội với các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống và hiện đại. Nhiều lễ hội dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được quan tâm khôi phục và tổ chức như Lễ hội Lồng Tồng (dân tộc Tày- Nùng), Lễ hội Cầu mùa (Khơ Mú), Lễ hội Gầu Tào (dân tộc H’Mông), Lễ hội Hoa Ban (dân tộc Thái), Lễ hội Mừng lúa mới…

Thay đổi cách thức tổ chức các lễ hội “nóng”

Mặc dù mùa lễ hội 2018 diễn ra an toàn, hiệu quả, nhưng vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục.

Toàn cảnh Hội nghị

Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, nhiều lễ hội đang bị nâng cấp và mở rộng quy mô trong khi địa phương chưa có nghiên cứu đầy đủ, chưa chuẩn bị kỹ các phương án an toàn; nhiều nơi có xu hướng biến lễ hội thành phương tiện tạo nguồn thu cho một nhóm lợi ích; còn hiện tượng đốt nhiều vàng mã gây ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cháy nổ…

Đặc biệt, một số điểm “nóng” đang đòi hỏi địa phương, các cơ quan quản lý phải nghiên cứ thay đổi cách thức tổ chức như với lễ hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ), Lễ hội Chọi trâu Hải Lựu (Vĩnh Phúc), Lễ hội Chọi trâu Phù Ninh (Phú Thọ), Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng)…

Mặc dù vậy, hầu hết đại diện các địa phương đều cho rằng, các lễ hội này không đáng ngại về an ninh, an toàn, không phản cảm. Dư luận phản ánh chưa đúng bản chất lễ hội.

Theo ông Cao Văn Mỹ, Chủ tịch UBND Huyện Tam Nông, Phú Thọ, Lễ hội Phết Hiền Quan nhiều năm trước vẫn được tổ chức theo nghi thức truyền thống là đánh phết. Tuy nhiên, trải qua thời gian, gần chục năm trở lại đây đã bị chuyển thành cướp phết. “Việc cướp phết dẫn đến nhiều hình ảnh tranh giành, lấm lem bùn đất. Nhưng kết quả là vui, nhân dân hưởng ứng, không có đánh nhau, thương tích. Bên cạnh đó, tranh cướp mệt thì người tham gia nằm xuống nghỉ, báo chí truyền thông chụp ảnh đưa lên cho rằng phản cảm là không đúng bản chất sự việc”- ông Mỹ khẳng định.

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở phát biểu tại Hội nghị

Tuy nhiên, bà Ninh Thị Thu Hương cho rằng, năm nào bà cũng trực tiếp tham gia “nằm vùng” ở Lễ hội Phết Hiền Quan, bà đã chứng kiến có xảy ra đánh nhau, “vỡ trận”. Địa phương vận động hơn 100 công an vào cuộc để giữ gìn an ninh trật tự nhưng không xuể. Bà Hương cho rằng, cần đưa hình thức cướp phết trở về nguyên bản là đánh phết. Đồng thời, địa phương phải đầu tư cơ sở hạ tầng, đảm bảo vệ sinh, an toàn…nếu không, Cục sẽ đề nghị Bộ chỉ đạo địa phương tạm dừng tổ chức lễ hội.

Theo đại diện Sở VHTT Hải Phòng, thực hiện chỉ đạo của Bộ VHTTDL, Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn đang được Sở VHTT Hải Phòng xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và Viện VHNT quốc gia Việt Nam xây dựng đề án thay đổi cách thức tổ chức. Theo đó, sẽ đẩy mạnh các hình thức nghi lễ, thể hiện truyền thống tốt đẹp, hạn chế phần hội chọi trâu. Bên cạnh đó, sẽ đầu tư nâng cấp sân vận động đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách tham gia lễ hội.

Tương tự, với Lễ hội chọi trâu ở Phù Ninh, Hải Lựu, vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn đang rất đáng báo động. Theo đánh giá của Cục Văn hóa cơ sở, trong mùa lễ hội 2018 vừa qua, mặc dù chưa xảy ra tai nạn đáng tiếc nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao. Bởi ở các lễ hội này, chưa có đường riêng cho trâu vào sân chọi. Hàng rào được dựng rất thô sơ. Chưa kể, công tác vệ sinh không đảm bảo, rác thải tràn ngập khắp nơi…

Theo ông Nguyễn Vũ Phan, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tuyên Quang, nhiều vấn đề bất cập trong quản lý lễ hội chọi trâu và cần sự chỉ đạo thống nhất từ Bộ VHTTDL. Ông Phan cho rằng, ngoài việc đảm bảo an toàn cho du khách tham gia lễ hội này, còn vấn đề vệ sinh thực phẩm, vấn đề cá độ trá hình. Bộ VHTTDL chỉ đạo không bán vé lễ hội chọi trâu là đã hạn chế sự thương mại hóa lễ hội. Nhưng đằng sau tổ chức chọi trâu là cá độ thì bản thân ngành văn hóa và địa phương không quản lý được.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định, Bộ VHTTDL thống nhất chỉ có 3 lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Lựu, Phù Ninh. Với Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, yêu cầu Sở VHTT Hải Phòng sớm trình Bộ đề án tổ chức lễ hội theo đúng tiến độ. Với Lễ hội chọi trâu Phù Ninh và Hải Lựu, Thứ trưởng yêu cầu địa phương rà soát, kiểm tra lại các tư liệu làm rõ giá trị của hai lễ hội này. Nếu có giá trị văn hóa truyền thống thì sẽ có đề án tổ chức. Nếu không cũng báo cáo Bộ đề có phương thức quản lý phù hợp.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho rằng, công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 đã tiến bộ trên nhiều phương diện. Trong đó, việc tham mưu, ban hành văn bản từ Trung ương đến địa phương kịp thời, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về tổ chức quản lý lễ hội.

Bộ VHTTDL luôn xác định tổ chức quản lý lễ hội đầu xuân là trọng tâm, trọng điểm, Bộ vào cuộc hết sức quyết liệt, giao trách nhiệm cho các đơn vị phụ trách kiểm tra, giám sát sát sao, nắm chắc địa bàn, kịp thời báo cáo Bộ những vấn đề nổi cộm, những vấn đề phát sinh. Bên cạnh đó, các địa phương đã vào cuộc một cách quyết liệt và trách nhiệm, nhận thức được vị trí quản lý lễ hội trong văn hóa nên nhiều vấn đề tồn tại của mùa lễ hội 2017 đã giảm trong mùa lễ hội 2018”- Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, không nên bằng lòng với những kết quả đạt được. Bộ VHTTDL và các địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa, vào cuộc tích cực, sâu sát hơn để giảm các vấn đề tồn tại, tiến tới không còn tồn tại, phản cảm trong lễ hội.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương cùng Bộ VHTTDL, đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân giảm đốt vàng mã, đồ mã trong các di tích, nơi thờ tự, tổ chức hội thảo truyền thông rộng rãi, đề nghị các nhà khoa học vào cuộc có giải pháp, lộ trình thực hiện; Tăng cường thanh tra kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hiện tượng phản cảm; Luôn đề cao vai trò trách nhiệm trong quản lý, tổ chức để các lễ hội quanh năm diễn ra an toàn, nghiêm túc./.

Hồng Hà

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/bo-vhttdl-phai-thay-doi-cach-thuc-to-chuc-cac-le-hoi-nong-neu-khong-se-de-nghi-tam-dung-329778.html