Bộ Văn hóa: Không thể nóng vội trong công tác tháo dỡ cầu xuyên lõi di sản Tràng An

Tiến độ 'rùa bò' trong công tác phá dỡ công trình trái phép tại di sản Tràng An đang làm dấy lên những phản ứng gay gắt với nhiều chuyên gia di sản.

Cầu xuyên lõi di sản Tràng An nhìn từ trên cao. Ảnh: Zing.vn

Trong khi các chuyên gia đang tỏ ra sốt ruột, thậm chí họ hiến kế “cần cưỡng chế” đối với công trình này thì đại diện các cơ quan chức năng lại đang tỏ ra khá bình tĩnh.

Công trình được xây dựng dọc theo các vách đá cheo leo.

Sáng 4.5, trả lời PV Lao Động, ông Phạm Xuân Phúc - Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch (VHTTDL) - cho biết, công tác giám sát quá trình tháo dỡ là hoàn toàn do địa phương phụ trách.

“Bộ chỉ đưa ra yêu cầu tháo dỡ chứ không đưa ra thời hạn tháo dỡ đến bao giờ. Đây là công trình được xây dựng trên vùng núi có địa hình cheo leo, hiểm trở. Không thể thúc giục thái quá vì như thế sẽ vô tình gây nên áp lực đối với đơn vị chủ đầu tư”, đại diện Thanh tra Bộ VHTTDL chia sẻ.

Ông Phúc cũng bày tỏ sự lo lắng nếu trong quá trình tháo dỡ mà xảy ra tai nạn thì càng phức tạp.

“Thời hạn phải tháo dỡ trước ngày 30.4 là do ông Son (ông Nguyễn Văn Son, giám đốc Công ty CP Du lịch Tràng An, chủ đầu tư công trình trái phép - PV) hứa thôi, chứ tỉnh cũng không đưa ra quy định là giới hạn ngày bao nhiêu. Theo tôi được biết, trước tình trạng tháo dỡ chậm chạp này, tỉnh cũng đã có sự nhắc nhở đối với chủ đầu tư. Hiện nay, công tác tháo dỡ vẫn được họ tiếp tục thực hiện", ông Phúc nói.

Ông Phạm Xuân Phúc - Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL.

Phó Chánh thanh tra Bộ VHTTDL nhấn mạnh: “Quan điểm của chúng tôi là, với công trình trên núi, việc phá dỡ rất phức tạp, cho nên phải cẩn thận. Tôi từng nói với báo chí rồi, không thể đưa tiến độ để gây áp lực với người ta. Nhỡ xảy ra chuyện gì thì sao. Phương án tháo dỡ là do Sở Xây dựng tỉnh Ninh Bình đưa ra và thẩm định chứ Bộ không có quyền”.

Theo ông Phúc, trong vấn đề này, địa phương phải chịu trách nhiệm lớn nhất. "Tỉnh có chỉ đạo đôn đốc nhưng phải bình tĩnh. Kiểu gì cũng tháo dỡ, phải làm chứ không phải vì kỳ họp của Ủy ban Di sản Thế giới đang đến gần mà phải cố thực hiện cho xong bằng được. Quan trọng nhất là phải đảm bảo yếu tố an toàn, làm sao để giữ nguyên hiện trạng di sản được tốt nhất có thể. Nếu vì thời hạn mà người ta làm ẩu, mang mìn phá dỡ thì càng gây nguy hiểm cho di sản”.

Trước đó, trao đổi với báo chí, đại diện chính quyền huyện Hoa Lư (Ninh Bình) xác nhận, tính đến hết ngày 30.4, Công ty CP du lịch Tràng An mới chỉ tháo dỡ được 20% công trình.

GS Đặng Văn Bài đã bày tỏ sự bức xúc và cho rằng nên áp dụng phương pháp cưỡng chế đối với công trình trái phép này.

Cầu bê tông xuyên vùng lõi Tràng An được xem là một công trình “khủng” với quy mô gần 2.000 bậc cầu thang và dài hơn 1 cây số đường bêtông. Dù không có giấy phép, tuy nhiên cây cầu này đã được bắt đầu xây dựng từ giữa năm 2017. Chủ xây dựng là Công ty CP Du lịch Tràng An do ông Nguyễn Văn Son làm giám đốc đã tự ý khoan một phần núi Cái Hạ để dựng cột bê tông, xây bậc thang lên xuống đỉnh núi.

Đào Bích

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa/bo-van-hoa-khong-the-nong-voi-trong-cong-tac-thao-do-cau-xuyen-loi-di-san-trang-an-605104.ldo