Bỏ văn bằng chứng chỉ thay bằng 'hội đồng thi' chỉ 'đối vế' tiêu cực?

Những tiêu cực trong đào tạo, cấp văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khiến dư luận đặt vấn đề bỏ hay giữ?

Văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học vốn gây “lùm xùm” tại không ít cơ sở đào tạo (như vụ văn bằng giả tại đại học Đông Đô; vụ đại học Sư phạm Hà Nội 2 cấp giấy xác nhận cho nghiên cứu sinh đã tham gia kỳ thi và đạt trình độ tiếng Anh bậc 4 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam dù trường không nằm trong danh sách 14 đơn vị được bộ GD&ĐT cho phép tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc). Vấn đề cũng gây tranh luận nóng tại các kỳ họp Quốc hội, dư luận nhiều ý kiến trái chiều.

Về mặt nhu cầu khách quan chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đã đưa vào nhà trường phổ thông, đại học mấy chục năm nay, là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc, chuẩn đầu vào, đầu ra các hệ đào tạo đại học, sau đại học.

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1659/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 - 2030” với mục tiêu tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định, có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Những chứng tin học, ngoại ngữ gây lùm xùm của đại học Đông Đô.

Những chứng tin học, ngoại ngữ gây lùm xùm của đại học Đông Đô.

Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý và có khả năng sử dụng ngoại ngữ thành thạo trong công việc và làm việc trong môi trường quốc tế.

Nhiều giải pháp đồng bộ được xác định, trong đó có việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các bộ, ngành, địa phương và bản thân đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về vai trò và sự cần thiết phải học tập, nâng cao năng lực ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ và làm việc trong môi trường quốc tế.

Hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn trình độ ngoại ngữ đối với cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở chức danh, vị trí việc làm và yêu cầu thực thi công vụ; tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có năng lực, uy tín tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức và Hoàn thiện các quy định về chứng chỉ và thời hạn sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên trong thực tế, không phải ngành nghề, lĩnh vực nào cũng cần ngoại ngữ, tin học. Việc tuyển dụng cán bộ, công chức không nhất thiết bắt buộc văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học một cách cứng nhắc mà cần căn cứ từng vị trí, việc làm để xem xét sự cần thiết văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học hay không.

Theo bộ Nội vụ, để thực hiện vấn đề này, trong Nghị định mới của Chính phủ cũng giao cho các bộ quản lý chuyên ngành về cán bộ, công chức, viên chức sẽ ban hành thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn của ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp của viên chức.

Trong đó có quy định về trình độ về tin học và ngoại ngữ theo từng vị trí việc làm. Có những vị trí không cần phải có trình độ ngoại ngữ thì không cần phải quy định, những vị trí cần có trình độ ngoại ngữ ở cấp bậc cao hơn thì quy định trong từng vị trí việc làm.

Việc quy định rạch ròi là cần thiết, chẳng hạn giáo viên mầm non, tiểu học, công chức xã, công chức ở những vị trí ít khi sử dụng ngoại ngữ thì không cần quy định chuẩn đầu vào ngoại ngữ.

Cần loại bỏ văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong thi tuyển, sát hạch đầu vào hay nâng ngạch, bậc lương đối với các trường hợp này. Khi đã bỏ văn bằng, chứng chỉ thì cũng bỏ khâu lập hội đồng thi tuyển ngoại ngữ, tin học, chỉ cần kiểm tra, sát hạch về trình độ chuyên môn.

Bộ Nội vụ soạn thảo Nghị định 138 của Chính phủ về thi tuyển công chức, bỏ quy định về văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ nhưng lại đưa vào phần thi tuyển. Cụ thể, phần 2 thi ngoại ngữ có 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm về một trong 5 thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc ngoại ngữ khác do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định, thời gian thi 30 phút.

Phần 3, thi tin học, cũng có 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm, thời gian thi 30 phút. Miễn phần thi ngoại ngữ đối với các trường hợp sau: Có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển; có bằng tốt nghiệp cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp và được công nhận tại Việt Nam theo quy định.

Cẩn trọng bởi tiêu cực dễ phát sinh tại hội đồng thi địa phương tổ chức (ảnh minh họa).

Việc quy định hội đồng thi tuyển thay cho văn bằng, chứng chỉ như trên, về lý thuyết là giảm gánh nặng, thủ tục. Tuy nhiên, “hội đồng tuyển dụng làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến mà chủ tịch hội đồng tuyển dụng đã biểu quyết” cho thấy, tính khách quan, vô tư trong tuyển dụng phục thuộc cả vào vai trò, cách làm của Chủ tịch hội đồng.

Việc người dự tuyển vượt qua kỳ thi ngoại ngữ, tin học do hội đồng các đơn vị, địa phương lập ra phụ thuộc vào tính minh bạch, khách quan của đơn vị, địa phương đó (thông qua hội đồng) nên nguy cơ tiêu cực là rất lớn. Thực tế lâu nay, tại nhiều hội đồng thi tuyển, dư luận đã lùm xùm chuyện tiêu cực, có những người giỏi ngoại ngữ, tin học vẫn bị rớt khỏi kỳ thi, trong khi người năng lực, trình độ ngoại ngữ, tin học kém vẫn có thể “lách” qua.

Nhìn nhận từ thực tiễn, văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học do các cơ sở đào tạo cấp (trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cơ sở đào tạo khác được cấp phép) là kết quả của quá trình học tập, bồi dưỡng, thể hiện năng lực qua sát hạch.

Trước hiện trạng tiêu cực, mua bán văn bằng, chứng chỉ (như vụ đại học Đông Đô) khiến dư luận lo ngại tình trạng mua bán chứng chỉ để “lấp” vào hồ sơ cho đủ điều kiện. Tuy nhiên, nếu bỏ văn bằng, chứng chỉ để thay bằng “hội đồng thi” mang tính địa phương, đơn vị như trên thì không khác gì chuyển mảng khuyết, tiêu cực chỗ này để lấp sang chỗ khác.

Như đã phân tích, nguy cơ tiêu cực trong hội đồng thi tuyển ngoại ngữ, tin học do các hội đồng đơn vị, địa phương lập ra là rất lớn, dễ người giỏi bị bật, người kém lại lách vào qua kỳ thi tưởng như minh bạch.

Cần có cách nhìn thấu đáo hơn giữa điều kiện thi tuyển và điều kiện văn bằng, chứng chỉ trong tuyển chọn công chức, viên chức.

Mai Hà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bo-van-bang-chung-chi-thay-bang-hoi-dong-thi-chi-doi-ve-tieu-cuc-a499441.html