'Bỏ túi' những bí quyết giúp bạn tự trồng rau sạch tại nhà

Ở các khu đô thị, việc trồng rau xanh tại nhà đang trở thành xu hướng phổ biến. Vì những vườn rau mini trong nhà không chỉ giải quyết được bài toán thực phẩm sạch mà còn cải thiện không gian, môi trường sống xung quanh. Vậy nếu bạn muốn sở hữu một vườn rau đa năng như vậy thì hãy 'bỏ túi' ngay những bí quyết 'vàng' sau đây để dễ dàng tự trồng rau sạch tại nhà.

 Trồng rau ở đâu khi mà các khu đô thị lớn luôn trong tình cảnh "đất chật người đông"? Những chiếc thùng xốp gọn nhẹ có thể giúp bạn giải quyết được vấn đề nan giải đó

Trồng rau ở đâu khi mà các khu đô thị lớn luôn trong tình cảnh "đất chật người đông"? Những chiếc thùng xốp gọn nhẹ có thể giúp bạn giải quyết được vấn đề nan giải đó

Phương pháp trồng rau trong thùng xốp được nhiều người dân thành thị ưa chuộng bởi giải quyết tốt không gian sinh trưởng cho cây trồng. Ngoài ra, thùng xốp còn là vật dụng trồng rau dễ tìm, giá thành rẻ, trọng lượng nhẹ lại có khả năng cách nhiệt tốt

Nếu muốn tạo một vườn rau bằng cách trồng trong thùng xốp, bạn nên lưu ý việc chọn và sử dụng thùng xốp. Cần lựa chọn những thùng sâu lòng để cung cấp không gian cho rễ cây phát triển. Trên thị trường hiện nay đã có đẩy đủ các loại thùng xốp với kích thước phù hợp cho từng loại rau nên bạn có thể dễ dàng tìm mua

Ở mỗi thùng xốp bạn cần đục từ 6-8 lỗ và nên đục lỗ ở xung quanh thùng để thoát nước. Lỗ xiên từ trên xuống dể thoáng khí và không trôi đất, trôi phân bón khi tưới

Bạn có thể sử dụng giàn để đặt các thùng xốp trồng rau lên. Như vậy sẽ tiết kiệm được diện tích, không gian khu vườn cũng trở nên thoáng đãng, sạch sẽ hơn

Ngoài cách thông dụng là trồng rau trong thùng xốp thì bạn có thể thử lên ý tưởng thiết kế ban công, sân thượng nhà mình thành những mảnh vườn xanh bằng cách tận dụng những chai nhựa, hộp sữa, bình thủy tinh... để trồng rau với dạng vườn treo, vườn tường... Không những hiệu quả mà còn đẹp mắt

Tiếp theo, khâu chuẩn bị đất trồng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đây là bước quyết định trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Để trồng rau tại nhà có rất nhiều loại đất để sử dụng, như: Đất cát pha, đất thịt, đất phù sa, đất vườn...

Đất phải chọn kỹ để phù hợp với từng loại rau. Khi chuẩn bị, bạn nên lót 1 lớp xơ dừa hoặc các loại xơ quả để đất thoát nước chống úng nhưng vẫn giữ lại các chất dinh dưỡng tốt cho cây. Lưu ý, nếu sử dụng đất nền là đất lấy ngoài ruộng, đất công trình thì cần phơi khổ đập nhỏ, dùng vôi bột xử lý để khử mầm bệnh, trứng sâu, cỏ dại...

Hiện nay đã có một số loại đất sạch đóng túi chuyên phục vụ nhu cầu trồng rau trong nhà, với thành phần trung, đa vi lượng, các thành phần chất hữu cơ giúp ích cho cây phát triển tốt

Về phân bón để trộn cùng đất nên sử dụng phân hữu cơ để cung cấp thêm dinh dưỡng, có thể sử dụng phân xanh, phân trùn quế, phân vi sinh… Tùy vào từng loại cây sẽ có tỉ lệ trộn khác nhau, nhưng đa phần sẽ trộn khoảng 10-30% phân bón là vừa đủ

Ngoài ra, thay vì việc sử dụng phân bón hóa học bạn có thể áp dụng bí quyết của người xưa với việc sử dụng phân bón làm từ vỏ chuối và vỏ trứng. Vỏ chuối khi phân hủy có thể cung cấp một lượng lớn Kali và Phốt pho cho cây trồng. Vỏ trứng thì chứa tới 95% Canxi và lượng lớn Magie, Kali, Sắt...

Chỉ cần cho vỏ chuối và vỏ trứng vào máy xay sinh tố cùng một chút nước vo gạo, ta sẽ có một hỗn hợp sệt sệt. Người dùng đem chúng trộn với đất và để nghỉ khoảng một tuần. Sau đó có thể đem ra bón cho cây trồng

Các chất có trong vỏ trứng và vỏ chuối cực kỳ tốt cho sự sinh trưởng của thực vật, kích thích rễ phát triển nên sau khi ăn chuối, trứng bạn nên giữ vỏ của chúng lại để tái sử dụng làm phân bón

Các loại rau trồng tại nhà đa phần là những loại dễ trồng, thu hoạch nhanh như cải bó xôi, rau diếp, rau muống, cà rốt mini... Tuy nhiên, để tăng khả năng nảy mầm bạn vẫn cần "bỏ túi" những bí quyết ngâm và gieo hạt giống

Đối với những loại hạt to, vỏ cứng, bạn nên ngâm nước rồi ủ nứt nanh trước khi đem gieo vào đất. Sau vài ngày, khi đã thấy hạt nứt nanh thì mang gieo vào viên nén ươm hạt cho đến lúc cây ra 2 lá thật cứng cáp mới trồng ra đất

Đối với những loại hạt nhỏ thì có thể không cần ủ trước mà gieo thẳng vào đất. Gieo hạt thưa rồi phủ lên một lớp đất dày 1 cm lên mặt rồi tưới ẩm. Lưu ý, kể cả gieo loại hạt nào thì cũng không nên gieo quá nhiều hạt vào một thùng, tránh tình trạng cây mọc lên sẽ dày, cho năng suất không cao

Sau khi gieo hạt xong, bạn có thể tưới nước vo gạo, bã chè, bã cà phê... để đảm bảo đất trong thùng luôn đủ ẩm để giúp cây phát triển tốt. Ngoài ra, đặt thùng rau ở nơi có nhiều ánh sáng để dễ dàng quang hợp. Trường hợp cây non thì hạn chế việc "tắm nắng" lâu, nên dời chúng vào bóng râm khi cần thiết và dùng túi nilon đen che chắn cho đến khi cây cứng cáp hơn

Trong trường hợp rau bị trứng sâu, bướm… gây hại, bạn có thể xử lý bằng cách kiểm tra và bắt sâu trực tiếp bằng tay, loại bỏ ngay phần rau có sâu hại để không làm lan sang các cây khác. Hoặc, bạn có thể dùng hỗn hợp nước tỏi ớt để phun cho rau

Thông thường sau 2 năm đất sẽ phải thay vì bạc màu, hết chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu biết cách cải tạo đất bạn sẽ hạn chế việc mất một khoản tiền cho việc thay đất trồng

Theo kinh nghiệm của những người làm vườn thì cách cải tạo đất hiệu quả nhất là: Chọn đúng dịp nóng liên tục cả tuần để xới đất lên rắc vôi. Một thùng xốp trồng rau sẽ rắc khoảng 1 nắm vôi rồi phơi nắng từ 7-10 ngày. Sau đó, bạn có thể sử dụng thêm trấu hun và phân trùn quế đều được

Như Quỳnh (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/anh-bo-tui-nhung-bi-quyet-giup-ban-tu-trong-rau-sach-tai-nha/839685.antd