Bỏ túi một số quy tắc ăn uống độc đáo của các nước trên thế giới

Ăn bằng tay phải ở Ấn Độ hay không ăn trước khi người lớn tuổi dùng bữa ở Hàn Quốc là những quy tắc bạn nên nhớ để 'nhập gia tùy tục' khi đi du lịch các nước.

Ấn Độ: Trong bữa ăn bằng tay ở Ấn Độ, bạn dùng tay trái cầm đĩa, tay phải bốc thức ăn và không để ngón tay vào miệng. Một quy tắc nghiêm ngặt của ẩm thực Ấn là tay trái tuyệt đối không dùng để cầm nắm thức ăn, thậm chí là các dụng cụ nhà bếp. Ảnh: Getty.

Pháp: Bữa ăn kiểu Pháp luôn phục vụ bánh mì ngay từ đầu nhưng không phải là món khai vị. Người Pháp thường nhấm nháp bánh mì trước khi ăn món chính. Để không bị coi là bất lịch sự, bạn nên xé bánh mì thành từng miếng nhỏ thay vì cắn cả ổ bánh. Ngoài ra, đi ăn cùng người Pháp bạn không nên đề nghị chia hóa đơn. Với họ, việc chia hóa đơn thể hiện sự không tinh tế. Ảnh: Getty, Raw.

Mexico: Taco là món ăn truyền thống của người Mexico với lớp vỏ giòn rụm làm từ bột ngô hoặc bột mì và phần nhân bên trong với nhiều lựa chọn khác nhau. Đối với người Mexico, việc sử dụng dao và nĩa để ăn bánh taco là hành động kênh kiệu, ngớ ngẩn. Vì thế, bạn nên nhớ quy tắc ăn món đặc sản này bằng tay khi đi du lịch đất nước của nền văn minh Maya nhé! Ảnh: She Eat's Here .

Bồ Đào Nha: Trong bữa ăn ở quốc gia Tây Âu này, bạn không nên hỏi xin muối và hạt tiêu nếu các loại gia vị không có sẵn trên bàn. Với một dân tộc vốn tự hào với nền ẩm thực quốc gia như người Bồ Đào Nha, họ cho rằng yêu cầu liên quan đến nêm nếm gia vị là sự xúc phạm người đầu bếp. Ảnh: Lonely Planet.

Trung Quốc: Người Trung Hoa không bao giờ lật cá khi ăn hết một bên, vì điều này sẽ mang đến vận rủi. Bạn nên nhớ quy tắc này khi ăn ở Trung Quốc. Ngoài ra, chúng ta thường nghĩ ăn sạch thức ăn trong đĩa của mình là cách cư xử tốt. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, bạn nên để lại một ít thức ăn trên đĩa. Dấu hiệu này cho thấy bạn đã no và được tiếp đãi quá đủ. Ảnh: Happy Foods Tube, Tarnrit .

Bulgaria: Đến ăn tối ở nhà người Bulgari, bạn không nên mang theo quà tặng là hoa vàng. Vì với người dân quốc gia này, những bông hoa màu vàng tượng trưng cho sự hận thù. Ảnh: Getty.

Nhật Bản: Người Nhật rất coi trọng quy tắc sử dụng đũa. Những hành động như bắt chéo, liếm đũa hoặc dính đũa vào cơm (khi đã dừng ăn) bị xem là rất thô lỗ trên bàn ăn ở đất nước Mặt Trời mọc. Tuy nhiên, khi ăn mì và súp, hành động húp mì thành tiếng lại cho thấy sự đánh giá cao của bạn dành cho đầu bếp. Tiếng húp càng to càng thể hiện sự hài lòng với món ăn. Ảnh: @ilmc.korean, Amino Apps.

Hàn Quốc: Trong bữa ăn ở xứ sở kim chi, người lớn tuổi thường ăn trước, sau đó mọi người mới bắt đầu dùng bữa. Việc này thể hiện sự tôn trọng người lớn và cũng là một văn hóa đặc trưng của Hàn Quốc. Ngoài ra, bạn cũng chú ý sử dụng 2 tay hoặc đặt bàn tay trái dưới cổ tay phải khi nhận món ăn, đồ uống từ người khác để giữ phép lịch sự. Ảnh: PinsDaddy.

Hungary: Một quy tắc liên quan tới vụ hành quyết 13 vị tử đạo Arad năm 1849. Khi cuộc cách mạng ở Hungary lụi tàn, một nhóm tướng lĩnh người Áo đã ăn mừng bằng cách cụng ly bia phát tiếng leng keng. Vì vậy, nếu không muốn bị tấn công ở Hungary, bạn đừng nên chạm ly phát ra tiếng động lớn. Ảnh: Kzenon.

Nga: Khi được người Nga mời rượu, đó là dấu hiệu của sự thân thiện và tin tưởng, bạn nên nhận rượu cũng như nhận lấy lòng thiện cảm của họ. Người Nga uống vodka nguyên chất, thường không cho thêm đá. Họ cho rằng nếu pha trộn với bất cứ thứ gì sẽ làm hỏng đi sự tinh khiết của vodka (bia là ngoại lệ duy nhất). Ảnh: CNN, Km Photography.

Chile: Ăn bằng tay bị coi là một hành vi thiếu tinh tế và không tôn trọng người khác ở Chile. Bạn phải sử dụng dao và nĩa một cách thành thạo ở quốc gia này. Kể cả khi bạn ăn khoai tây chiên. Ảnh: Bymuratdeniz.

Ethiopia: Với người Ethiopia, phong cách ăn gia đình được nâng lên một bậc. Mọi người cùng chia sẻ thức ăn trong một đĩa lớn và không cần thêm bất cứ bát đĩa nào khác. Ảnh: Friday Anne Keyes.

Afghanistan: Ở Afghanistan, nếu làm rơi bánh mì xuống đất, bạn nên nhặt lên ngay. Sau đó, bạn nên hôn bánh mì và đặt lên trán trước khi đặt bánh trở lại vị trí nào đó không phải là sàn nhà. Ảnh: Shutterstock.

Bí mật đáng sợ của ngành công nghiệp thực phẩm Thức ăn ta mua ở ngoài chợ, trong siêu thị liệu có an toàn? Làm sao để phân biệt mật ong thật và mật ong giả? Những thông tin sau sẽ giúp bạn trả lời phần nào.

Uyên Hoàng
Theo BuzzFeed, Huffpost

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bo-tui-mot-so-quy-tac-an-uong-doc-dao-cua-cac-nuoc-tren-the-gioi-post879003.html