Bộ Tư pháp và Hội Luật gia Việt Nam: Nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp

Chiều 24/7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đồng chủ trì lễ ký kết Chương trình phối hợp thực hiện công tác giữa 2 Bên giai đoạn 2018 - 2023. Cùng dự có Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam Lê Minh Tâm, đại diện lãnh đạo các đơn vị của hai cơ quan.

Bộ trưởng Lê Thành Long và Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền ký kết Chương trình phối hợp

Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đã nhất trí ký kết Chương trình phối hợp nhằm tăng cường phối hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác xây dựng pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hòa giải ở cơ sở; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực; nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế giai đoạn 2018 - 2023.

Chẳng hạn, trong công tác xây dựng pháp luật, phối hợp tư vấn, phản biện chính sách, pháp luật trong xây dựng, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; hướng dẫn thực hiện đánh giá tác động chính sách, thủ tục hành chính; kỹ năng đánh giá tác động chính sách, thủ tục hành chính trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Trong công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, sẽ thiết lập kênh trao đổi, cung cấp, cập nhật, chia sẻ thông tin, tư liệu giữa hai Bên về các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; cung cấp thông tin, tài liệu PBGDPL, hòa giải ở cơ sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi Bên…

Lãnh đạo hai Bên yêu cầu việc phối hợp phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị và phù hợp với điều kiện, nguồn lực của mỗi Bên; xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, nhất là các cơ quan, đơn vị đầu mối và cơ chế phối hợp trong quá trình triển khai các nhiệm vụ.

Các hoạt động phối hợp được thực hiện thường xuyên với hình thức đa dạng, phong phú, kịp thời, thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Chương trình phối hợp được cụ thể hóa, lồng ghép trong kế hoạch công tác hàng năm; định kỳ kiểm tra, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả và đề ra phương hướng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Bộ Tư pháp giao Vụ PBGDPL là đơn vị đầu mối; Hội Luật gia Việt Nam giao Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật là đơn vị đầu mối làm nhiệm vụ thường trực tham mưu triển khai thực hiện Chương trình phối hợp. Các đơn vị đầu mối có trách nhiệm tham mưu triển khai thực hiện, theo dõi, đánh giá, tổng hợp kết quả và kịp thời tham mưu cho lãnh đạo hai Bên trong việc hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết Chương trình phối hợp.

Định kỳ hàng năm, căn cứ nhiệm vụ do mỗi cơ quan chủ trì, hai Bên cùng triển khai thực hiện Chương trình, lồng ghép các hoạt động phối hợp cụ thể trong Kế hoạch công tác năm và tổ chức đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ phối hợp và thống nhất hoạt động năm tiếp theo; kiểm tra, đôn đốc việc triển khai Chương trình phối hợp lồng ghép với việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của hai Bên tại địa phương.

Cũng theo Chương trình, hàng năm, hai Bên phối hợp họp sơ kết đánh giá kết quả thực hiện; kết thúc giai đoạn tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện và đề ra phương hướng, giải pháp phối hợp trong giai đoạn tiếp theo; kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Chương trình.

Hai Bên chủ động chỉ đạo, hướng dẫn Sở Tư pháp và Hội Luật gia các tỉnh, thành phố triển khai Chương trình phối hợp phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Sở Tư pháp, Hội Luật gia các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp, ký kết Kế hoạch phối hợp công tác để triển khai thực hiện Chương trình phối hợp tại địa phương.

Trường hợp phát sinh nhu cầu đột xuất, đơn vị đầu mối thường trực của hai Bên chủ động phối hợp, xử lý hoặc đề xuất biện pháp và thống nhất báo cáo lãnh đạo hai Bên xem xét, quyết định.

Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Chương trình phối hợp, Bộ trưởng Lê Thành Long ghi nhận các đơn vị đầu mối đã chọn đúng và trúng các nội dung phối hợp nhằm phục vụ đắc lực cho việc thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ chính trị của hai cơ quan.

Với nguồn nhân lực thực hiện đầy kinh nghiệm, Bộ trưởng đánh giá cao vào tính khả thi của Chương trình phối hợp và cam kết Bộ Tư pháp sẽ cố gắng thực hiện tốt, đầy đủ các nội dung phối hợp, đồng thời bày tỏ mong muốn Hội Luật gia Việt Nam cũng nỗ lực hết mình trong triển khai Chương trình.

Cảm ơn sự nhiệt tình của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền cho rằng việc ký kết, triển khai Chương trình phối hợp sẽ là một sự kiện quan trọng trong năm 2018 của Hội Luật gia Việt Nam. Chủ tịch cũng tin tưởng về việc triển khai Chương trình phối hợp một cách chặt chẽ, bài bản, tích cực và thường xuyên, từ đó hai Bên sẽ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mỗi cơ quan, góp phần đưa công tác phối hợp đi vào nền nếp, chất lượng, hiệu quả.

Thục Quyên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/bo-tu-phap-va-hoi-luat-gia-viet-nam-nang-cao-chat-luong-hieu-qua-phoi-hop-403952.html