Bộ Tư pháp trả lời về dự án chống ngập 10.000 tỉ

Bộ Tư pháp cho rằng việc sử dụng chữ ký đóng dấu của trưởng đoàn tư vấn là không hợp lệ.

Trong văn bản gửi Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP (TTCN) - đơn vị điều hành dự án, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) nêu: Nếu văn bản đã phát hành sử dụng dấu chữ ký của người có thẩm quyền nhưng người đó vắng mặt và không ký trực tiếp vào văn bản gốc lưu tại văn thư cơ quan, tổ chức thì không phù hợp quy định pháp luật.

Trước đó, TTCN đã có văn bản xin ý kiến Bộ Tư pháp về việc ông L. Fernando Requena P.E trưởng đoàn tư vấn giám sát hợp đồng dự án) đã không còn ở Việt Nam từ ngày 14-7. Và từ đó đến nay đoàn tư vấn giám sát hợp đồng đã phát hành hơn 30 văn bản liên quan đến dự án gửi các cơ quan nhà nước có đóng dấu chữ ký của vị này.

Về vấn đề trên, cuối tháng 10, Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Meinhardt (đơn vị đại diện đoàn tư vấn giám sát hợp đồng gồm ba công ty) có văn bản gửi UBND TP.HCM và TTCN, trong đó giải thích quy trình sử dụng chữ ký của ông L. Fernando Requena P.E. Theo đó, “đoàn tư vấn làm việc theo mô hình: Trưởng đoàn tư vấn chỉ có mặt định kỳ, ngắn hạn nhưng vẫn chịu trách nhiệm kiểm soát, điều hành toàn diện dự án như chỉ đạo, kiểm tra, phê duyệt, ký văn bản chính thức hoặc đóng dấu chữ ký qua hình thức chấp thuận bằng email, fax…” - văn bản nêu rõ.

Đồng thời Công ty Meinhardt giải thích thêm: Trên cơ sở đánh giá, tham mưu, soạn thảo từ các bộ phận chuyên môn về hồ sơ giải ngân, hồ sơ kỹ thuật, báo cáo tháng, báo cáo quý… sẽ được trình cho trưởng đoàn tư vấn xem xét, ký trực tiếp khi có mặt tại văn phòng dự án hoặc sử dụng chữ ký con dấu khi ông này không có mặt. Công ty Meinhardt khẳng định đây là quy trình làm việc bình thường theo thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu công việc của loại hình hợp đồng trọn gói này.

Trong một động thái khác, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM vừa yêu cầu lần thứ tư bà Phạm Xuân Lộc Thảo, thư ký phiên dịch văn phòng dự án (người liên quan đến vụ việc đoàn tư vấn này tố bị người khác đe dọa khiến họ phải rút nhân sự tham gia đoàn hồi cuối tháng 9) đến làm việc. Trước đó, Công an TP.HCM đã ba lần mời bà Thảo đến làm việc (ba lần đều trong tháng 10) nhưng bà Thảo vẫn chưa đến làm việc theo yêu cầu.

“Để đảm bảo quyền lợi trực tiếp của đoàn tư vấn và nhân viên đang làm việc tại dự án, Phòng Cảnh sát hình sự yêu cầu ban lãnh đạo đoàn tư vấn cử bà Thảo đến Phòng Cảnh sát hình sự để làm việc” - công văn của Công an TP.HCM ngày 14-11 nêu.

KIÊN CƯỜNG

Nguồn PLO: http://plo.vn/do-thi/moi-truong/bo-tu-phap-tra-loi-ve-du-an-chong-ngap-10000-ti-803633.html