Bộ Tư pháp Thẩm định đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi

Sáng 19/10, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Tham dự có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy; nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, ông Đinh Trung Tụng và đại diện các Bộ, ngành liên quan.

Theo Tờ trình Đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống bạo lựa gia đình (sửa đổi) mà đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo tại Hội đồng, sau 12 năm triển khai và thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, bên cạnh những thành tựu đạt được, Luật cũng đã bộc lộ hạn chế như: Các quy định về biện pháp giáo dục và hỗ trợ đối tượng có hành vi bạo lực gia đình chưa được quy định rõ ràng; Các chính sách về xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình chưa rõ và chưa thu hút được sự tham gia của tổ chức, cá nhân; Luật quy định về hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình nhưng chưa làm rõ được tính đặc thù giữa hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình với hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp ngoài gia đình…

Ông Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự hành chính phát biểu tại cuộc họp

Ông Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự hành chính phát biểu tại cuộc họp

Thực tế, những vụ bạo lực gia đình sau khi bị xử lý hành chính hoặc hình sự thì những mâu thuẫn, tranh chấp đang tồn tại trong gia đình cơ bản chưa được hóa giải. Vì vậy, để ngăn chặn bạo lực gia đình tái diễn, Luật cần quy định rõ việc hòa giải các vụ việc bạo lực gia đình, kể cả các vụ bạo lực gia đình đã được xử lý hành chính hoặc hình sự. Mặt khác, việc hòa giải còn mang nặng thủ tục hành chính, người tham gia hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình còn hạn chế về kiến thức và kỹ năng, thậm chí một số người còn tư tưởng định kiến giới nên công tác hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay chưa hiệu quả…

Việc ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành, đặc biệt là xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình, người vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, tăng cường các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong thực thi nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao chất lượng của công tác hòa giải, thông tin tuyên truyền và khuyến khích xã hội hóa trong phòng, chống bạo lực gia đình. Từ đó góp phần xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu khai mạc cuộc họp thẩm định.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho biết dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) rất quan trọng, góp phần xây dựng văn hóa gia đình, phát triển con người toàn diện. Sau 12 năm triển khai và thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, bên cạnh những thành tựu đạt được, Luật cũng đã bộc lộ hạn chế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch chỉ ra và cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp. Đại diện Bộ Công an đề nghị khi xây dựng báo cáo tổng kết cần chỉ rõ kết quả, khó khăn, vướng mắc trong các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Về giải pháp, cần chỉ rõ từng khó khăn, bất cập trong nội tại quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và đưa ra giải pháp để hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng sửa đổi Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Từ đó xác định chính sách xây dựng trong báo cáo đánh giá tác động…

Hồng Mây

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/bo-tu-phap-tham-dinh-de-nghi-xay-dung-luat-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-sua-doi-550829.html