Bộ Tư pháp Mỹ ngăn Penguin Random House mua lại nhà xuất bản đối thủ

Bộ Tư pháp Mỹ đã đệ đơn kiện chống độc quyền để ngăn chặn Penguin Random House mua Simon & Schuster. Phiên tòa phân định sẽ diễn ra từ 1/8.

Nhà xuất bản Penguin Random House đưa ra một khoản tiền hơn 2 tỷ đôla với mong muốn mua lại Simon & Schuster vào cuối năm 2020. Lo ngại tình trạng độc quyền trong xuất bản, Bộ Tư pháp Mỹ không đồng tình với vụ sáp nhập này và đã đệ đơn kiện, ngăn chặn hai nhà xuất bản lớn nhất nước Mỹ hợp nhất.

Phiên tòa phân định sẽ diễn ra từ ngày 1/8, kéo dài 3 tuần tại Tòa án Mỹ E. Barrett Prettyman ở Washington. Theo các hồ sơ gần đây, tổng cộng 72 giờ được phân bổ cho các cuộc tranh luận. Trong đó, có 38 giờ cho chính phủ và 34 giờ cho bên bào chữa.

Thẩm phán Florence Pan sẽ dẫn dắt phiên tòa, lắng nghe lý lẽ từ hai bên. Danh sách nhân chứng bao gồm một vài cái tên "máu mặt", bao gồm nhiều CEO Big Five (nhóm 5 nhà xuất bản lớn nhất), một vài đại diện tác giả, và nhà văn nổi tiếng Stephen King với tư cách nhân chứng cho chính phủ.

Theo tờ Publishers Weekly, vụ việc này có ý nghĩa lớn đối với ngành công nghiệp xuất bản, vốn đang vật lộn với xu hướng hợp nhất trong nhiều năm.

Năm 2018, chính phủ Mỹ đã thất bại trong việc ngăn chặn vụ sáp nhập trị giá 85 tỷ đôla giữa công ty viễn thông đa quốc gia AT&T và tập đoàn giải trí đa quốc gia Time Warner. Vì vậy, đây được coi là một phép thử quan trọng cho chính phủ trong bối cảnh phức tạp hiện nay.

 Bên trong một hiệu sách Penguin Random House. Ảnh: Strategy Online.

Bên trong một hiệu sách Penguin Random House. Ảnh: Strategy Online.

Lý lẽ của Bộ Tư pháp Mỹ

Christopher T. Sagers - giáo sư Đại học Luật Cleveland-Marshall, tác giả của cuốn sách United States v. Apple: Competition in America - nhận xét: “Bất chấp những tin đồn, tôi nghĩ đây là một vụ sáp nhập khá tiêu chuẩn. Nếu các bằng chứng ủng hộ các cáo buộc và nếu họ né được những cái bẫy của bên bào chữa, chính phủ có cơ hội thắng cao”.

Phần lớn bằng chứng cho đến giờ vẫn bị niêm phong. Hơn nữa, Sagers thừa nhận vẫn còn những “vấn đề sâu hơn, thuộc về nhận thức”, bởi vụ khiếu nại này tập trung hơn vào những thiệt hại tiềm ẩn cho các tác giả thay vì cho người tiêu dùng.

Nếu mua thành công Simon & Schuster, Penguin Random House sẽ trở thành nhà xuất bản sách lớn nhất nước Mỹ cho đến nay, bỏ xa các đối thủ và sẽ có doanh thu gấp đôi nhà xuất bản lớn thứ nhì.

Luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng với quy mô ấy, nhà xuất bản hợp nhất sẽ "có tầm ảnh hưởng quá lớn với tác giả và nội dung được xuất bản, tác động tới tiền nhuận bút của các tác giả”. Điều này vi phạm Mục 7 của Đạo luật Clayton, luật chống độc quyền ban hành năm 1914.

Theo hồ sơ, khiếu nại của chính phủ Mỹ không tập trung vào quy mô hay thị phần của Penguin Random House, mà tập trung vào các khoản thanh toán cho tác giả - một cáo buộc về “sự độc quyền mua” chứ không phải “sự độc quyền”.

Sự độc quyền xảy ra khi một doanh nghiệp trở thành nhà cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ thống trị (thường là duy nhất) trên thị trường, gây tổn hại tới người mua.

Mặt khác, sự độc quyền mua xảy ra khi một doanh nghiệp trở thành bên mua thống trị hoặc duy nhất, cũng gây tổn hại không ít tới người mua khác.

Vụ sáp nhập sẽ đặt thêm sức nặng vào thị trường xuất bản vốn đã chỉ tập trung quanh vài nhà xuất bản lớn. Quyền lực tập trung này có thể đẩy giá bán lẻ tới bờ vực.

Christopher T. Sagers - giáo sư Đại học Luật Cleveland-Marshall

Các nhà xuất bản đã quen với các tác động hạn chế cạnh tranh của sự độc quyền mua. Amazon cũng hay bị tố là độc quyền mua trong thị trường sách điện tử, dẫn tới việc 5 trong số 6 đơn vị làm sách điện tử lớn nhất hợp tác với Apple năm 2010 để chuyển thị trường sách điện tử sang mô hình đại lý.

Chính phủ Mỹ cho rằng Penguin Random House vốn đã là nhà xuất bản thương mại lớn nhất nước Mỹ, việc sáp nhập này sẽ bành trướng quyền lực của Penguin Random House, ảnh hưởng tới quyền của các tác giả, nhất là nhóm tác giả được ứng trước 250.000 đôla cho những “cuốn sách bán chạy được mong đợi”. Ảnh hưởng của vụ sáp nhập sẽ cắt giảm khoản tiền này, dẫn tới việc ít tác giả có thể kiếm sống bằng việc viết lách hơn, ngành sách sẽ kém đa dạng hơn.

Bộ Tư pháp Mỹ lập luận rằng một đơn vị với quy mô quá lớn, bỏ xa các đơn vị khác sẽ làm dấy lên những lo ngại khác. “Số lượng doanh nghiệp trong ngành ít hơn, một doanh nghiệp trở thành thống trị, 4 doanh nghiệp lớn nhất sẽ sớm đạt được sự đồng thuận chung, gây tổn hại cho các tác giả”, đơn khiếu nại viết. Đơn khiếu nại cũng viết thêm rằng Penguin Random House và Simon & Schuster sở hữu số cửa hàng phân phối nhiều đến đáng ngại.

Sagers cho rằng luận điểm của chính phủ có lý. Ông nhận định: “Vụ sáp nhập sẽ đặt thêm sức nặng vào thị trường xuất bản vốn đã chỉ tập trung quanh vài nhà xuất bản lớn”. Quyền lực tập trung này có thể đẩy giá bán lẻ tới bờ vực. Ông cho rằng sau sáp nhập, Penguin Random House sẽ là Big One, thị trường sẽ không còn Big Five hay Big Four nữa.

Ông giải thích: “Các tòa án và cơ quan không đo lường tính hợp pháp của việc sáp nhập bằng cách đếm số lượng công ty thô, họ đo lường mức độ tập trung. Họ đo độ tập trung bằng chỉ số Hirschmann-Herfindahl Index (thước đo phổ biến về sự tập trung của thị trường và được sử dụng để xác định khả năng cạnh tranh thị trường), mang lại trọng lượng lớn hơn cho các doanh nghiệp vốn đã lớn hơn nhiều của đối thủ khác”.

Sau sáp nhập, Penguin Random House sẽ có chỉ số HHI cao ngất ngưởng. Trong một số trường hợp, chỉ số HHI lớn có thể đủ để tòa án ngăn chặn vụ sáp nhập.

Sau sáp nhập, Penguin Random House sẽ có chỉ số HHI cao. Ảnh: Publishers Weekly.

Lý lẽ của bên kháng cáo

Trong hồ sơ kháng cáo, các luật sư của Penguin Random House đi thẳng vào các tuyên bố của Bộ Tư pháp Mỹ về vấn đề độc quyền mua, rằng không có bằng chứng chắc chắn cho thấy bất kỳ áp lực đáng kể nào trong việc cạnh tranh bản quyền tác phẩm.

Luật sư của Penguin Random House tố Bộ Tư pháp đã cố ý tạo điều kiện cho những “cuốn sách bán chạy được mong đợi” mà chẳng có mấy giá trị trên thị trường thực.

Các luật sư của Penguin Random House lập luận chính phủ đang hiểu sai các yếu tố cơ bản nhất của thị trường sách. Các giao dịch bản quyền sách luôn rất riêng rẽ và bao gồm nhiều yếu tố, được đại diện tác giả chứ không phải các doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ.

Penguin Random House tuyên bố rằng họ không có khả năng gây ảnh hưởng tới các khoản ứng trước hay trả sau cho tác giả trên thị trường. Penguin Random House không được mời đấu giá cho hợp đồng của mọi cuốn sách, số hợp đồng Penguin Random House thua đấu giá thực tế nhiều hơn số hợp đồng thành công. Simon & Schuster cũng vậy. Sau khi hợp nhất, thị trường vẫn sẽ như cũ, giá thành bán lẻ cũng không trở nên cạnh tranh hơn.

Sau sáp nhập, các tác giả vẫn có thể gửi tác phẩm cho nhiều nhà xuất bản đấu giá. Luật sư của Penguin Random House nhấn mạnh rằng ba nhà xuất bản lớn còn lại - Hachette Book Group, HarperCollins và Macmillan - đều là những đối thủ nặng ký, ngoài ra, Amazon, Disney và Scholastic cũng rất mạnh về mặt truyền thông, Abrams và Norton cũng là những cái tên đã có sức nặng. Trong số các nhà xuất bản mới, có Zando đang phát triển mạnh mẽ.

Giám đốc điều hành Penguin Random House - ông Markus Dohle - cam kết rằng các biên tập viên của Penguin Random House và Simon & Schuster sẽ vẫn được phép cạnh tranh với nhau, mặc dù Penguin Random House không khuyến khích điều này.

Trên thực tế, các luật sư của Penguin Random House cho rằng các bằng chứng cho thấy việc sáp nhập sẽ thúc đẩy cạnh tranh và tiếp động lực cho các tác giả.

Giá thầu quy mô lớn như vậy là phi lý và phản thị trường. Penguin Random House đang mua sự thống trị thị trường như mua một cuốn sách khổng lồ.

Robert Thomson - Giám đốc điều hành News Corp

Hồi năm 2013, sau khi 2 nhà xuất bản Penguin và Random House hợp nhất, thị trường sách thương mại tại Mỹ đã bùng nổ, cạnh tranh bản quyền sách sôi động hơn trước, các nhà xuất bản nhỏ hơn vẫn giành được thị phần bán lẻ từ Big Five.

Sagers tin rằng vụ việc đưa ra một loạt câu hỏi mới (theo nghĩa đen) cho bồi thẩm đoàn. Và bất chấp thách thức về quy mô của công ty được hợp nhất, những câu hỏi đó mang lại cho các luật sư của Penguin Random House nhiều cơ hội để đáp trả.

“Nếu chính phủ có ý định chứng minh rằng các tác giả bán chạy có khả năng mất thu nhập cao hơn các tác giả khác, thì ý kiến ấy có thể gặp phải một số khó khăn trong luận cứ”. Sagers nghĩ rằng khó có thể đoán trước được gu của độc giả thay đổi thế nào và các tác giả bán chạy bị ảnh hưởng đến đâu. Tất cả câu hỏi thực nghiệm này vốn chỉ là suy đoán. “Tòa án không thích những suy đoán, và có xu hướng giải quyết những nghi ngờ của mình theo hướng bất lợi cho chính phủ”, Sagers nói.

Ngay cả khi chính phủ Mỹ có thể nêu ra một số tổn hại tiềm tàng đối với các tác giả bán chạy, điều đó vẫn đặt ra câu hỏi liệu đó có được coi là tổn thương có liên quan về mặt pháp lý theo luật chống độc quyền hay không. Theo Sagers, nếu luận điểm này dẫn chính phủ tới cảnh phải chứng minh rằng người tiêu dùng sẽ bị tổn hại khi thị trường có ít sách của Danielle Steel và James Patterson hơn, thì họ khó thắng kiện được.

Phản ứng trong ngành

Việc sáp nhập Penguin Random House và Simon & Schuster cũng gặp phải những chỉ trích từ các công ty trong ngành. Sau khi Penguin Random House công bố mua Simon & Schuster với giá gần 2,2 tỷ đôla, Robert Thomson - Giám đốc điều hành của News Corp - đã nhận định rằng giá thầu quy mô lớn như vậy là phi lý và phản thị trường. Thomson cho rằng Penguin Random House đang mua “sự thống trị thị trường như mua một cuốn sách khổng lồ”.

Hiệp hội tác giả Mỹ cũng chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận này, cho rằng Penguin Random House đang theo đuổi sự độc quyền mua thuần khiết như Amazon.

Các đơn vị khác ngầm nhận biết vụ sáp nhập. Họ biết rằng chỉ Penguin Random House mới có thể mua lại Simon & Schuster và khó có gì ngăn cản được điều ấy.

Minh Hùng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bo-tu-phap-my-ngan-penguin-random-house-mua-lai-nha-xuat-ban-doi-thu-post1338803.html