Bộ Tư pháp họp thẩm định dự án Bộ luật Lao động sửa đổi

Ngày 4/5, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định đối với dự án Bộ luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi, có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp. Hai trong số rất nhiều nội dung thu hút sự quan tâm của các thành viên Hội đồng là việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu và thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động.

 Thứ trưởng Phan Chí Hiếu chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định đối với dự án BLLĐ.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định đối với dự án BLLĐ.

Từ năm 2021 sẽ tăng 3 hoặc 4 tháng mỗi năm với tuổi nghỉ hưu

Báo cáo nội dung về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - LĐTBXH) Mai Đức Thiện khẳng định, việc sửa đổi BLLĐ lần này phải thể chế hóa yêu cầu điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Quán triệt tinh thần của Nghị quyết 28, dự thảo BLLĐ đã quy định nội dung này theo 2 phương án để đảm bảo việc tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam, tránh việc phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai.

Cụ thể, theo phương án 1, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Với phương án 2, Bộ LĐTBXH đề xuất kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định tuổi nghỉ hưu trong một số trường hợp đặc biệt. Đó là người lao động được quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi do bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt. Đồng thời, người lao động cũng được quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi nếu có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, hoặc làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Cơ bản đồng ý với điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là đúng chủ trương của Đảng nhưng các thành viên Hội đồng đã góp thêm nhiều ý kiến cụ thể. Bà Bùi Thị Thỏa (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng cần xem xét đối với lao động trực tiếp trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù.

Đối với đối tượng này, phải đánh giá tác động kỹ và tiếp tục lắng nghe ý kiến của người lao động. Theo đó, có thể đề xuất Chính phủ có lộ trình chậm hơn hoặc có những biện pháp, chính sách hỗ trợ để tránh tác động tiêu cực đến thị trường lao động.

Ghi nhận Ban soạn thảo đã chú trọng đến vấn đề bình đẳng giới trong điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu khi rút ngắn khoảng cách độ tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ song theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa, có thể cân nhắc đẩy nhanh lộ trình với nhóm đối tượng là lao động có tay nghề, lao động trình độ cao, lao động quản lý.

Còn với nhóm lao động trực tiếp tại các khu công nghiệp, các lĩnh vực giày da, dệt may, cao su, thủy sản thì qua tham vấn thấy rằng người lao động hầu hết không muốn kéo dài thêm thời gian đến tuổi nghỉ hưu, dù chỉ 3 tháng.

Không nên quy định “cứng” thời gian làm việc

Cũng theo ông Thiện, trên cơ sở tham vấn ý kiến, dự thảo BLLĐ sửa đổi đưa ra 2 phương án về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Theo đó, với phương án 1, dự thảo bổ sung vào BLLĐ quy định: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”. Thời gian làm việc dự kiến là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân).

Với phương án 2, dự thảo đề xuất giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong BLLĐ mà được quy định tại các văn bản hành chính (đối với các bộ do Thủ tướng quyết định, đối với UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định).

Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Nguyễn Thị Thu Hòe tỏ ra băn khoăn khi dự thảo BLLĐ quy định thời gian làm việc thống nhất như trên. Bà Hòe phân tích, địa hình nước ta trải dài từ Bắc đến Nam với điều kiện thời tiết khác nhau, đặc biệt là giữa miền Bắc và miền Nam nếu ở miền Nam mà giờ làm việc từ 8h30 sáng thì đã rất nắng, đây là điều cần lưu ý thêm…

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu – Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhấn mạnh BLLĐ là một bộ luật có phạm vi tác động rộng lớn nên cần rà soát, nghiên cứu xây dựng kỹ lưỡng để đảm bảo sự hài hòa, phù hợp với yêu cầu đặc thù của nước ta.

Đối với việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, Thứ trưởng Hiếu nhất trí với tuổi nghỉ hưu nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi theo lộ trình tăng mỗi năm 3 tháng để không gây “sốc” thị trường lao động và xóa dần khoảng cách giữa lao động nam và lao động nữ.

Về thời gian làm việc của người lao động, Thứ trưởng Hiếu ủng hộ phương án giữ nguyên như hiện nay, đảm bảo tính vùng miền. Bên cạnh đó, một số nội dung lớn, thiết thực của dự thảo cũng được Thứ trưởng “chốt” lại như mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, thời gian nghỉ Tết âm lịch, nghỉ thêm một ngày lễ vào ngày 27/7, trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động, tiền lương, mức lương tối thiểu, hòa giải, giải quyết tranh chấp…

H.Thư

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/bo-tu-phap-hop-tham-dinh-du-an-bo-luat-lao-dong-sua-doi-450896.html