Bộ Tư pháp đã kiểm tra, rà soát hơn 2.300 văn bản

Chiều 27/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo thường kỳ thông tin về các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp.

Bộ Tư pháp đã chuẩn hóa và bãi bỏ tổng số 148 thủ tục hành chính. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN

Bộ Tư pháp đã chuẩn hóa và bãi bỏ tổng số 148 thủ tục hành chính. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN

Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, từ quý III đến nay, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện và trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10 đối với 14 dự án luật, pháp lệnh, trong đó, Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Thời gian qua, các đơn vị của Bộ Tư pháp đã tập trung rà soát, trình Bộ trưởng ban hành nhiều quyết định chuẩn hóa các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý của Bộ. Theo đó, Bộ đã chuẩn hóa và bãi bỏ tổng số 148 thủ tục hành chính (thuộc các lĩnh vực bổ trợ tư pháp - luật sư, tư vấn pháp luật, hòa giải thương mại, đấu giá tài sản; thi hành án dân sự...).

Ngày 13/11/2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Quyết định quy định về tổ chức đánh giá giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông của Bộ Tư pháp với mục đích lắng nghe ý kiến đánh giá của các nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính để từ đó cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công của Bộ Tư pháp ngày càng tốt hơn.

Về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, từ đầu quý III đến nay, Bộ Tư pháp đã kiểm tra 2.378 văn bản (gồm 185 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 2193 văn bản của địa phương); đã phát hiện và ra kết luận kiểm tra đối với một số văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền và văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.

Đối với công tác thi hành án dân sự, trong 12 tháng (từ ngày 1/10/2019 đến 30/9/2020), các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 576.933 việc/708.680 việc có điều kiện thi hành án (đạt 81,41%) tương ứng với số tiền trên 53.750 tỷ đồng. Hiện nay, Bộ Tư pháp đã hoàn thiện Đề án trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế...

Từ nay đến hết năm 2020, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; đôn đốc các bộ, ngành hoàn thành việc trình, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nhất là đối với các văn bản nợ đọng. Bộ cũng chủ động chuẩn bị đề cương, hướng dẫn phổ biến các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10 đồng thời, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật.

Tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ đã trả lời câu hỏi của báo chí về tình trạng chậm cấp Phiếu Lý lịch tư pháp; chính sách phát triển nghề công chứng; việc cắt giảm các thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu...

Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, việc bỏ những thủ tục liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu là mong mỏi của người dân và cơ quan quản lý. "Phải làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi tham gia một số thủ tục hành chính", ông Nguyễn Thanh Hải cho biết.

Theo ông Hải, việc Bộ Công an dự báo đến hết năm 2022 mới có thể bỏ hoàn toàn sổ hộ khẩu là đã có tính toán phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh. Hiện nay, Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực đang trao đổi với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) nhằm đẩy nhanh quá trình đồng bộ hóa dữ liệu hộ tịch, quốc tịch, để sớm bỏ sổ hộ khẩu.

Phan Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/bo-tu-phap-da-kiem-tra-ra-soat-hon-2300-van-ban-20201127213515936.htm