Bộ Tư pháp: Có bảo kê, thao túng trong đấu giá

Theo Bộ Tư pháp đã xuất hiện hiện tượng 'bảo kê', có hành vi 'đe dọa, cưỡng ép' những người tham gia đấu giá nhằm thao túng cuộc đấu giá...

Sáng 17/7, tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp từ nay tới hết năm 2020, ông Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục thi hành an dân sự (THADS) TP.Hà Nội nhận định, công tác bán đấu giá tài sản luôn là một trong những vấn đề “nóng” trong toàn hệ thống THADS, trong đó khó khăn lớn nhất đó là bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản.

Hội nghị Sơ kết công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm 2020. Ảnh: Bộ Tư pháp

Hội nghị Sơ kết công tác Tư pháp 6 tháng đầu năm 2020. Ảnh: Bộ Tư pháp

Ông Hồng cho biết thêm, các cơ quan THADS trên địa bàn thành phố hiện còn hơn 200 trường hợp chưa giao được tài sản đã đấu giá thành, tương ứng với số tiền hơn 300 tỷ đồng.

Ông Hồng đề nghị Tổng cục THADS cần rà soát, lập danh sách các tổ chức bán đấu giá có uy tín để việc lựa chọn, ký hợp đồng được đảm bảo yêu cầu đồng thời kiến nghị tăng mức xử phạt khi xử lý các sai phạm, thiếu sót trong quá trình thẩm định giá, bán đấu giá tài sản.

Ông Nguyễn Thanh Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk đề cập tới những bất cập, hạn chế, nhất là trong hoạt động đấu giá tài sản dẫn tới những vi phạm, sai phạm trong đấu giá. Những vi phạm này được cho đến từ cả đấu giá viên, cả người tham gia đấu giá và người có tài sản đấu giá.

Về việc này, Bộ Tư pháp thừa nhận có tình trạng thông đồng, dìm giá, gây thất thoát trong hoạt động đấu giá.

Theo Bộ Tư pháp, hoạt động đấu giá tài sản thời gian qua cho thấy địa phương nào có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của người có tài sản, sự vào cuộc, xử lý quyết liệt, kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước thì tình trạng thông đồng, dìm giá, gây thất thoát tài sản nhà nước được hạn chế tối đa.

Điển hình là vụ đấu giá quyền sử dụng đất ở Thanh Hóa, sau 2 lần UBND tỉnh hủy kết quả đấu giá do phát hiện hành vi vi phạm và được tổ chức đấu giá lại thì giá bán thành đã tăng từ 438 tỷ đồng lên hơn 1.215 tỷ đồng.

Vụ đấu giá tài sản của Vinashin ở Quảng Ninh, hành vi đe dọa, chèn ép đã được người có tài sản ngăn chặn kịp thời, tài sản của Nhà nước không bị thất thoát.

Tình trạng “cò”, đe dọa trong các vụ đấu giá đất ở Hà Nam đã được cơ quan công an hỗ trợ và đảm bảo an ninh kịp thời...

Chỉ ra những hạn chế, yếu kém dẫn tới hiện tượng trên theo Bộ Tư pháp là giá khởi điểm của tài sản đấu giá được định giá chưa sát với giá thị trường, đặc biệt là giá đất, dẫn đến tình trạng có những người không có nhu cầu vẫn tham gia đấu giá để đầu cơ, trục lợi.

Một số tổ chức đấu giá tài sản vẫn còn tình trạng vi phạm trình tự, thủ tục dẫn đến bị hủy kết quả đấu giá; còn tình trạng “bao che”, “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ” giữa người tham gia đấu giá, người có tài sản, tổ chức đấu giá tài sản.

Đặc biệt, theo Bộ Tư pháp, đã xuất hiện hiện tượng “bảo kê” của băng nhóm “xã hội đen” có hành vi “đe dọa, cưỡng ép” những người tham gia đấu giá nhằm thao túng cuộc đấu giá diễn ra phức tạp, gây thất thoát tài sản, ảnh hưởng an ninh, trật tự tại địa phương.

Ngoài ra các vấn đề như bàn giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá còn gặp rất nhiều khó khăn; tài sản đấu giá chủ yếu là tài sản công (tài sản thuộc sở hữu cá nhân được đưa ra bán thông qua đấu giá chưa đến 50 cuộc, chiếm khoảng 0,06%), không có đầu mối xử lý chung nên cũng gây nhiều khó khăn.

Để khắc phục thực trạng này, Bộ Tư pháp cho rằng sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật chuyên ngành về định giá, xác định giá khởi điểm tài sản đấu giá, các tài sản phải bán thông qua đấu giá.

Thái An (tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bo-tu-phap-co-bao-ke-thao-tung-trong-dau-gia-3413680/