Bộ Tư pháp cần làm tốt vai trò 'gác gôn', đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật

Sáng 24/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đến dự và chủ trì hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng đại diện lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương và đại diện lãng đạo các Sở Tư pháp trên toàn quốc.

Còn tình trạng nợ đọng văn bản

Trình bày Báo cáo tổng kết công tác Tư pháp năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, ngành Tư pháp đã bám sát phương châm của Chính phủ là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” trong công tác chỉ đạo, điều hành; bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và đạt những kết quả nhất định.

Trên cơ sở các chương trình, kế hoạch công tác và các nhiệm vụ được giao thêm, toàn Ngành đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện; thường xuyên rà soát, theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ. Riêng tại Bộ Tư pháp, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Bộ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 151 nhiệm vụ, đã hoàn thành 125 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 26 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn.

Việc phối hợp công tác giữa Bộ, ngành Tư pháp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục được tăng cường. Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị công tác pháp chế với các Bộ, ngành; tổ chức làm việc với các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương về công tác tư pháp, thi hành án dân sự (THADS) để thúc đẩy và tháo gỡ khó khăn cho công tác tư pháp ở cả Trung ương và địa phương. Ở địa phương, các Sở Tư pháp, Cục THADS chú trọng phối hợp với các cấp, ngành trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là đối với những nhiệm vụ, vụ việc phức tạp, kéo dài, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực.

 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị

Chất lượng hồ sơ các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tiếp tục được cải thiện; công tác thẩm định VBQPPL ngày càng đi vào chiều sâu. Trong năm 2019, toàn ngành đã tập trung rà soát được 40.304 VBQPPL; hoàn thành việc hệ thống hóa và công bố kết quả hệ thống hóa VBQPPLkỳ 2 (2014-2018); lần đầu tiên xác định và công bố số liệu chính xác về VBQPPL trên cả nước và đưa vào khai thác, sử dụng 120/271 đề mục của Bộ Pháp điển..

Công tác thi hành án dân sự (THADS) đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao. Đặc biệt, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm. Xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả, nhất là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL); giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là trong cấp phiếu lý lịch tư pháp, chứng thực, công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm.

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong Ngành được đẩy mạnh, Chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính của Bộ tiếp tục được cải thiện, Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng chỉ ra những điểm còn tồn tại, hạn chế, như: Việc bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật tiếp tục là thách thức lớn; Việc gửi hồ sơ các dự án luật đến Chính phủ, Quốc hội còn chậm so với yêu cầu; Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để. Trong THADS, theo dõi thi hành án hành chính, còn có một số vi phạm của Chấp hành viên, công chức thi hành án trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án. Việc giải quyết thủ tục hành chính trong công tác hộ tịch, chứng thực, công chứng vẫn còn có sai sót, tiêu cực; còn xảy ra tình trạng chậm trễ trong cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người dân. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp ở địa phương vẫn chưa thống nhất…

Trong năm 2020 ngành Tư pháp sẽ tập trung vào 4 hướng sau: Bám sát các chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp; Tập trung rà soát, xác định những quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, không còn phù hợp, cản trở sự phát triển của đất nước để sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi kịp thời; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp và pháp chế; Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy cơ quan tư pháp các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Phải làm tốt vai trò "gác gôn"

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của ngành Tư pháp trong xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật và những đóng góp âm thầm của Bộ, ngành Tư pháp trong phát triển kinh tế, xã hội của nước ta.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2020 là năm có nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao rất quan trọng của nước ta, đối với công tác Tư pháp cũng sẽ tiếp tục tham mưu tổng kết các nghị quyết quan trọng của Đảng về xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp…, Phó Thủ tướng cho rằng, bối cảnh trên đặt ra yêu cầu mới, thách thức mới cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là rất nặng nề.

Quang cảnh hội nghị

Vì vậy, đề nghị Bộ, ngành Tư pháp cần tiếp tục làm tốt hơn vai trò của mình trong thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành quy định pháp luật để phục vụ mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quản lý mọi mặt kinh tế - xã hội bằng pháp luật. Bộ Tư pháp cần chủ động tham gia và tích cực đóng góp vào việc định hình “luật chơi” tại các thể chế pháp lý quốc tế đa phương.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ, ngành Tư pháp cần phải tiếp tục làm tốt vai trò “gác gôn” để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Cần có giải pháp truyền thông mạnh mẽ các chính sách mới, dự kiến ban hành để đồng bảo cử tri, doanh nghiệp hiểu, tham gia xây dựng chính sách, bảo đảm tính khả thi của quy phạm.

Chú trọng hơn nữa chất lượng công tác thẩm định, góp ý dự thảo VBQPPL. Tăng cường rà soát, kiểm tra VBQPPL, tinh chỉnh hệ thống pháp luật, đảm bảo tính đồng bộ, tính thống nhất, minh bạch và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật, giảm thiểu tối đa chi phí tuân thủ pháp luật.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, tạo chuyển biến cơ bản, bền vững về mọi mặt trong tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trong đó cần tập trung chỉ đạo ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật 100% đối với các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực.

Mặt khác, Phó Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách điều chỉnh hoạt động hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, bảo đảm xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp phù hợp với yêu cầu của thực tiễn song song với nâng cao chất lượng dịch vụ và yêu cầu quản lý nhà nước với bước đi, lộ trình; Tập trung nguồn lực, trí tuệ giúp Chính phủ xử lý tốt các vấn đề pháp lý quốc tế. Chú trọng hơn nữa công tác tổ chức, xây dựng Ngành, đào tạo cán bộ trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và những chuyển biến rất nhanh của tình hình thực tiễn trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Mai Thoa

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/thoi-su/bo-tu-phap-can-lam-tot-vai-tro-gac-gon-dam-bao-tinh-dong-bo-cua-phap-luat-325998.html