Bộ Tư pháp: Bỏ sổ hộ khẩu là mong mỏi của người dân và cơ quan quản lý

Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh việc bỏ sổ hộ khẩu là mong mỏi của người dân và cơ quan quản lý.

Chiều 27/11, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh, việc bỏ những thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu là mong mỏi của người dân và cơ quan quản lý.

"Phải làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi tham gia một số thủ tục hành chính", ông Hải nói.

Theo ông Hải, việc Bộ Công an dự báo đến hết năm 2022 mới có thể bỏ hoàn toàn sổ hộ khẩu là đã có tính toán phù hợp với điệu kiện, hoàn cảnh.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp).

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp).

Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực cho biết, hiện đơn vị đang tiếp Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) để cung cấp dữ liệu liên quan đến hộ tịch và quốc tịch.

"Họ đang rất khẩn trương làm dữ liệu quốc gia về dân cư ổn định, chính xác để các ngành khác kết nối", ông Hải cho biết.

Liên quan đến lộ trình bỏ các thủ tục hành chính yêu cầu sổ hộ khẩu, theo ông Hải, Cục đã dự báo và liệt kê ra 37 thủ tục yêu cầu sổ hộ khẩu và 5 thủ tục liên quan đến quốc tịch. Cục đã liệt kê và có kế hoạch sửa đổi phù hợp.

Trước đó, vào chiều 13/11, với 449 đại biểu tham gia và tán thành (chiếm 93,15%), Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) bỏ các quy định về: Sổ hộ khẩu, sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu tại Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013).

Việc thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân.

Thông tin về cư trú phải được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của pháp luật; tại một thời điểm, mỗi công dân chỉ có một nơi thường trú và không quá một nơi tạm trú.

Về điều khoản chuyển tiếp, kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú.

Xuân Trường - Ngọc Trang

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bo-tu-phap-bo-so-ho-khau-la-mong-moi-cua-nguoi-dan-va-co-quan-quan-ly-ar582602.html