Bộ Tư pháp ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Báo cáo số 13/BC-BTP tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2019; ký Quyết định số 80/QĐ-BTP ban hành Chương trình hành động của ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Theo Báo cáo số 13, năm 2018, Bộ, ngành Tư pháp đã chủ động, khẩn trương triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Công tác chỉ đạo điều hành tiếp tục được thực hiện quyết liệt, ngày càng đi vào chiều sâu, phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế để triển khai công việc. Toàn Ngành thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm và hoàn thành bảo đảm chất lượng, tiến độ nhiều nhiệm vụ phát sinh thêm, nhất là các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; phản ứng kịp thời, hiệu quả đối với những vấn đề “nóng”, ngày càng tham gia sâu vào các vấn đề pháp lý đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong Ngành được đẩy mạnh, các chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ tiếp tục được cải thiện. Chất lượng hồ sơ các dự án luật, pháp lệnh và chất lượng công tác thẩm định có nhiều cải thiện; nợ đọng văn bản quy định chi tiết giảm so với năm trước. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật xuất hiện một số mô hình hay, hiệu quả. Thi hành án dân sự tiếp tục đạt kết quả cao, thi hành án hành chính dần đi vào nề nếp. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đang phát triển khá nhanh; đã giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, gắn với việc hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Việc xã hội hóa các nghề tư pháp được thực hiện thận trọng, hiệu quả hơn, chất lượng hành nghề được cải thiện, quy trình cấp phép dần được chuẩn hóa. Tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp địa phương từng bước được kiện toàn, chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Việc giải quyết tranh chấp đầu tư đạt nhiều kết quả cụ thể; hợp tác quốc tế về pháp luật tiếp tục tạo được những dấu ấn quan trọng, nhất là trong quan hệ với các nước láng giềng. Một số lĩnh vực công việc khác cũng được triển khai hiệu quả, bám sát chương trình, kế hoạch đã đề ra.

Còn theo chương trình Chương trình hành động của ngành Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định 80/QĐ –BTP, bám sát phương châm hành động của Chính phủ "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả", Bộ Tư pháp xác định 10 nhiệm vụ chủ yếu thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.

Một là, triển khai tích cực Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2019, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng, trình các dự án luật về tổ chức bộ máy nhà nước, cán bộ, công chức, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, các dự án luật cần sửa đổi, bổ sung để thực hiện Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác xây dựng, thẩm định văn bản pháp luật. Nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, việc tổ chức thi hành Hiến pháp để báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình cấp có thẩm quyền. Tập trung nguồn lực xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp và Luật Giám định tư pháp, Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Hai là, nâng cao chất lượng công tác thẩm định VBQPPL, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các VBQPPL quy định điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính; tham mưu để phản ứng chính sách, pháp luật kịp thời, chính xác đối với các vấn đề pháp lý phát sinh trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương; thực hiện các giải pháp giảm thiểu việc ban hành VBQPPL trái pháp luật. Chú trọng công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật gắn với công tác kiểm tra, xử lý văn bản.

Bốn là, hoàn thiện thể chế về THADS, tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự; theo dõi thi hành án hành chính. Tập trung thi hành dứt điểm các vụ án dân sự trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng.

Năm là, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 - 2021 và đánh giá 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Sáu là, nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; tăng cường quản lý nhà nước kết hợp với phát huy vai trò tự quản của các hội nghề nghiệp trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; xây dựng các tổ chức tự chủ làm đầu tàu về chuyên môn, nghiệp vụ. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất biện pháp nâng cao hiệu quả công tác giám định tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo phương châm “đổi mới, thiết thực, kịp thời, bền vững”.

Bảy là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành chính tư pháp, đẩy mạnh xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử gắn với việc tổ chức thực hiện Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020.

Tám là, thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế để bảo vệ lợi ích quốc gia và lợ ích chính đáng của doanh nghiệp, người dân. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật, đẩy mạnh khai thác cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực này.

Chín là, tập trung kiện toàn các cơ quan tư pháp địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW Trung ương 6 khóa XII và các yêu cầu của Chính phủ bảo đảm thống nhất, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao. Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ theo Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, Danh mục dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước của Bộ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ giữa các đơn vị thuộc Bộ; tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Mười là, tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý điều hành, mở rộng việc sử dụng chữ ký số. Thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông về các hoạt động của Bộ, Ngành. Thực hiện nghiêm chủ trương về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng; thực hiện các giải pháp chăm lo đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

P.V

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/bo-tu-phap-ban-hanh-chuong-trinh-hanh-dong-thuc-hien-nghi-quyet-so-01nqcp-cua-chinh-phu-435390.html