Bộ Tứ Normandy không họp, nỗ lực Merkel thất bại

Cuộc họp Bộ tứ Normandy về giải quyết tình hình xung đột ở miền Đông Ukraine sẽ không diễn ra trong thời gian ngắn.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết không có kế hoạch diễn ra cuộc họp Bộ Tứ Normandy ở Paris nhân sự kiện Ngày lễ kỷ niệm 100 năm sự kết thúc của Thế chiến I vào ngày 11/11 tới.

Sẽ không có cuộc họp cấp cao của Bộ Tứ Normandy sắp tới.

Ông Peskov xác nhận các nhà lãnh đạo thuộc nhóm Bộ Tứ Normandy sẽ đều tham dự sự kiện này tuy nhiên, một cuộc họp ở cấp cao sẽ không diễn ra.

"Không có kế hoạch như vậy vào thời điểm này" - ông Peskov khẳng định.

Thông tin này được đặt ra với ông Peskov bởi trước đó, đại diện của Tổng thống Petro Poroshenko tại Verkhovna Rada là bà Iryna Lutsenko đã không loại trừ diễn ra cuộc họp ở định dạng Bộ Tứ Normandy diễn ra tại Paris.

"Tất cả các cuộc họp đều có thể xảy ra. Chỉ có cuộc họp theo định dạng Poroshenko - Putin là không thể. Cuộc họp một đối một giữa hai nhà lãnh đạo sẽ không xảy ra... Có thể có một cuộc họp đa phương giữa các đại biểu, một cuộc họp Bộ Tứ Normandy.. nhưng một cuộc gặp trực tiếp với ông Putin sẽ nằm ngoài chương trình của Tổng thống Ukraine" - bà Lutsenko nhấn mạnh.

Bộ Tứ Normandy là định dạng được thiết lập gồm 4 quốc gia Ukraine - Pháp - Đức - Nga nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao và hòa bình ở khu vực xung đột miền Đông Ukraine giáp biên giới Nga.

Bất chấp các nỗ lực họp đi họp lại ở các cấp từ Bộ trưởng Ngoại giao đến cấp cao nhất... nhưng các bên trong cuộc xung đột gồm quân đội Chính phủ Ukraine và lực lượng đối lập tại Donbass đã liên tục đổ lỗi cho nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn Minsk.

Khi Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sẽ không tái tranh cử sau nhiệm kỳ này, các thông tin về những công việc còn dang dở của bà đã được liệt kê, trong đó có tình hình ở miền Đông Ukraine và ý tưởng thành lập Bộ Tứ Normandy.

Bà Angela Merkel được cho là một trong những nữ chính khách được Điện Kremlin dành tình cảm đặc biệt và đồng ý trao trọng trách làm trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Sau các nỗ lực từ khi Bộ Tứ Normandy được thành lập, tình hình không xoay chuyển mà còn khiến bộ tứ đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Các nhà lãnh đạo và cấp dưới của họ đều không tìm được tiếng nói chung khi triển khai và giám sát nghĩa vụ thực hiện thỏa thuận hòa bình. Dù có sự giám sát từ các nhân viên thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu – OSCE - thì Ukraine và Nga liên tục tố ngược nhau là bên vi phạm.

Ông Putin và ông Poroshenko khẳng định không muốn gặp mặt nhau.

Đặc biệt, trong thời gian này, Ukraine liên tục tuyên bố về kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc đến miền Đông đất nước,sát biên giới Nga, gián tiếp phủ nhận vai trò của nhóm Bộ Tứ Normandy và thỏa thuận hòa bình Minsk trong đó quy định rõ về việc hai bên rút vũ khí hạng nặng và tiến vào đàm phán.

Từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nhậm chức, tình hình Ukraine chưa khi nào được quan tâm tới vậy. Phía Mỹ ủng hộ kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở Ukraine tới sát biên giới Nga, đồng nghĩa với việc không coi lực lượng ly khai đồn trú tại Donbass là một lực lượng hợp pháp. Điều này chắc chắn làm Moscow nổi giận và tiếp tục hướng tới thỏa thuận Minsk mà Bộ Tứ Normandy đã đạt được.

Tuy nhiên, trước phản ứng mạnh mẽ và xu hướng muốn kéo Mỹ vào vụ triển khai lực lượng quân sự của Liên Hiệp Quốc tới giáp biên giới Nga, Moscow cũng đưa ra phương án tích cực nhất có thể, đồng ý triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc nhưng lực lượng này có mục đích là đảm bảo sự an toàn của các thành viên OSCE làm nhiệm vụ ở khu ranh giới giữa quân Chính phủ và lực lượng ly khai độc lập.

Tranh cãi giữa Ukraine và Nga liên tục chưa dứt suốt từ khi Ukraine trình lên HĐBA LHQ về ý tưởng này.

Sự lu mờ của Bộ Tứ Normandy về tình hình Ukraine ngày càng thể hiện rõ khi nữ Thủ tướng Đức quyết định sẽ rời khỏi chính trường trong nhiệm kỳ tới. Trước diễn biến căng thẳng như hiện nay, khả năng tình hình Ukraine vẫn không được giải quyết ngay cả khi bà Merkel rời vũ đài chính trị.

Bộ Tứ Normandy liệu có tan rã hay không, không ai khẳng định được, nhưng nếu điều đó trở thành sự thật, nó là minh chứng rõ nhất cho thất bại thực sự của nữ Thủ tướng Angela Merkel.

Sơn Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/bo-tu-normandy-khong-hop-no-luc-merkel-that-bai-3368498/