Bộ Tứ Normandy họp khẩn sau hội đàm Putin-Merkel

Trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov thông tin cuộc họp nhóm Bộ Tứ Normandy sẽ diễn ra tại Paris.

Tờ Izvestiya dẫn lời Trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov cho biết khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ Normandy mới đã được thảo luận giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Bộ Tứ Normandy cấp cao sắp nhóm họp.

“[Các bên] đã thảo luận về khả năng tổ chức một cuộc họp như vậy. Họ đồng ý rằng cần phải chuẩn bị để cuộc họp có kết quả. Các chuyên gia được yêu cầu tiếp tục chuẩn bị để cuộc họp bộ Tứ thực sự hiệu quả. Không có khung thời gian nào được xác định về cuộc họp này" - ông Ushakov cho biết.

Theo trợ lý Tổng thống Nga, Moscow không từ chối việc tổ chức một cuộc họp Bộ Tứ nếu nó diễn ra ở Paris.

Khả năng diễn ra cuộc họp Bộ Tứ Normandy cũng từng được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đề cập từ giữa tháng 8. Tuy nhiên, khi đó, ông Lavrov đề nghị 4 nước tham gia nên thực hiện Hiệp định hòa bình trước khi muốn tiến hành cuộc họp thượng đỉnh Normandy.

Ông Lavrov nói rằng hội nghị thượng đỉnh của nhóm Bộ Tứ Normandy nên được nhóm họp chỉ sau khi thực hiện thành công những hiệp định trước đó về cuộc khủng hoảng Ukraine vốn đã đạt được.

"Chúng tôi ủng hộ ý kiến Bộ Tứ Normandy nên hoạt động tích cực, nhưng những cuộc họp này không nên dừng lại khi các hiệp định đang chưa được thực thi. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã yêu cầu những đồng nghiệp của chúng tôi, những người lại muốn nhóm họp Bộ Tứ Normandy ở cấp cao nhất, hãy thực thi các điều khoản chỉ sau khi những thỏa thuận trước đó được thực thi" - ông Lavrov nhấn mạnh.

Mới hôm 18/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc thảo luận với Thủ tướng Đức Angela Merkel và có đề cập đến tình hình Ukraine.

Tại cuộc thảo luận, ông Putin và bà Merkel đều hối tiếc về việc thực hiện các thỏa thuận hòa bình Minsk cho tương lai hòa bình của Ukraine đã bị đình trệ, trong đó, bao gồm các nội dung: tình trạng đặc biệt của Donbass, cải cách Hiến pháp nhằm phân quyền thêm cho khu vực Donbass, ngừng bắn tại Donbass, ghi rõ việc rút vũ khí hạng nặng khỏi giới tuyến, thiết lập đường dây liên lạc, ân xá..

Trong khi đó, Kiev từ chối thực hiện các cam kết về mặt chính trị, viện dẫn các vấn đề an ninh chưa được giải quyết.

Ukraine đã không thực hiện cải cách hiến pháp, cũng như thực thi luật về tình trạng đặc biệt của Donbass và thông qua luật về các cuộc bầu cử khu vực.

Thay vào đó, lực lượng Chính phủ Ukraine lại nhấn mạnh vào việc giành lại quyền kiểm soát phần sát biên giới với Nga, mặc dù theo Hiệp định Minsk, điều này phải xảy ra sau khi các cuộc bầu cử kết thúc.

Phía Ukraine còn tiến hành thành lập Lực lượng Thống nhất, điều động tới miền Đông nhằm "giải phóng khu vực khỏi sự xâm lược của Nga" đã bị cáo buộc là vi phạm mạnh mẽ các quy tắc của Hiệp định hòa bình lâu nay.

Phạm vi hoạt động của lực lượng dựa vào tình hình ở khu vực.

Khả năng Ukraine xây dựng quân sự và phát triển mạnh lực lượng ở đây có thể được thực hiện khi có xung đột hoặc muốn giải phóng hoàn toàn Donbass.

Điều này được cho là đã vi phạm nghiêm trọng các điều khoản rút quân đội và vũ khí khỏi vùng đệm mà Hiệp định Minsk nêu rõ.

Đặc biệt là khi hứng chỉ trích, Ukraine đã bày tỏ công khai ý chí của họ về cách thức đối phó với miền Đông: tìm hòa bình bằng cách triển khai quân đội.

Điều này càng tạo điều kiện cho phép Mỹ mở rộng cơ hội bước chân vào sát biên giới phía Tây của Nga.

Trong bối cảnh Washington có những bước đi gây hấn với cả Nga và châu Âu, đồng thời mạnh mẽ ủng hộ Ukraine, tiến trình hòa bình Minsk đang có nguy cơ bị "dẹp sang một bên", nhường bước cho việc triển khai lực lượng gìn giữ của Liên Hiệp Quốc, gồm cả quân đội Mỹ tham gia.

Cuộc họp Bộ Tứ Normandy sắp tới có thể có những đề xuất mạnh mẽ hơn để đưa Hiệp định phù hợp với tình hình nhất.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/bo-tu-normandy-hop-khan-sau-hoi-dam-putin-merkel-3364021/