'Bộ Tứ Kim Cương' ứng phó Trung Quốc gặp nhiều trở ngại

Trong khi chỉ có Mỹ và Nhật Bản sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc, phía Ấn Độ và Australia dường như vẫn còn những vướng bận của riêng mình.

Quan hệ Australia-Trung Quốc không còn yên ả như trước.

Cựu Ngoại trưởng Australia Bob Carr lên tiếng “quan ngại” về việc đất nước mình đang chống lại Trung Quốc trong nhóm liên minh với Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản.

Ông cho rằng, Canberra nên giữ thế trung lập và không nên cố gắng coi Trung Quốc là kẻ thù.

Triển vọng về một liên minh an ninh giữa Washington, Tokyo, Canberra và New Delhi đã trở nên khởi sắc sau khi các quan chức từ bốn quốc gia gặp nhau tại Manila vào tháng trước để khởi động lại Đối thoại An ninh Tứ giác.

Việc không đề cập đến Trung Quốc trong liên minh này đã khiến các nhà phân tích đánh giá nhóm Bộ tứ đang coi Trung Quốc là đối thủ của mình, khi Bắc Kinh đang ngày càng hung hăng hơn trong khu vực.

Cuộc họp tại Manila cũng kêu gọi Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới nên tăng cường các khoản vay đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Đáp trả lại, Bắc Kinh kêu gọi bất kỳ động thái thành lập một nhóm an ninh không nên nhắm mục tiêu hoặc gây tổn hại lợi ích của bên thứ ba. Nước này nói rằng hợp tác khu vực không nên bị chính trị hóa.

“Australia là nước duy nhất trong số bốn quốc gia trên không phải là đối thủ chiến lược của Trung Quốc”, Carr, người từng là Ngoại trưởng Australia giai đoạn 2012-2013, cho biết bên lề Hội nghị Internet Thế giới tại Ô Trấn, Trung Quốc.

Ông lo ngại nhóm Bộ tứ đang đưa đất nước ông vào một cam kết ràng buộc trong việc ngăn chặn Bắc Kinh.

“Điều đó không mang lại lợi ích cho Australia. Chúng tôi có lập trường trung lập”, Carr, hiện đang là Giám đốc của viện Quan hệ Australia - Trung Quốc tại đại học Công nghệ Sydney cho biết.

Bình luận của ông được đưa ra sau khi Chính phủ Australia công bố Sách trắng đối ngoại hồi tháng trước, trong đó nước này chỉ trích hành vi xây dựng, cải tạo đảo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.

Canberra thời gian gần đây đang hướng tới một lập trường cứng rắn hơn đối với tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Bắc Kinh và kêu gọi sự tham gia sâu sát của Washington trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Những bất đồng giữa Ấn Độ với Trung Quốc cũng đặt ra dấu hỏi về lập trường của New Delhi với nhóm Bộ Tứ.

Ý tưởng về nhóm Đối thoại An ninh Tứ giác lần đầu tiên được nêu ra bởi Nhật Bản vào năm 2007, nhưng Australia và Ấn Độ ban đầu vẫn còn do dự về việc tham gia liên minh sẽ gây ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ với Trung Quốc.

10 năm sau, những lo ngại về ảnh hưởng địa chính trị ngày càng tăng của Bắc Kinh dường như đã thay đổi suy nghĩ của cả hai.

Bruce McConnell, Phó Chủ tịch toàn cầu viện Đông Tây, trung tâm tư vấn độc lập có trụ sở tại San Francisco, cho biết: “Bốn quốc gia Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản đang lo ngại về cái gọi là tham vọng của Trung Quốc, cũng như cán cân sức mạnh trên biển”.

Tuy nhiên, Ấn Độ cho thấy sự hờ hững trong việc trở thành đòn bẩy của Mỹ để kiềm chế Trung Quốc, theo McConnell. “Mối quan hệ Mỹ-Ấn Độ có những thách thức riêng của mình, giống như trong mối quan hệ Mỹ-Pakistan”, ông nói. Stephen Orlins, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung cũng tán thành quan điểm này.

Ông cho biết Ấn Độ “ít quan tâm đến hợp tác” và chỉ muốn đi theo chính sách đối ngoại của riêng mình. “Với sức mạnh kinh tế đang lên của Trung Quốc, họ sẽ có thêm nhiều lĩnh vực bất đồng với người hàng xóm”, ông nói.

Bên cạnh đó, các quan chức Australia cũng công khai cảnh báo về ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong một số lĩnh vực ở quốc gia này, trong đó có chính trị và giáo dục.

Không giống như nhiều quốc gia khác trong khu vực, Australia cho biết sẽ không tham gia vào sáng kiến kết nối cơ sở hạ tầng quy mô lớn Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Dẫu vậy, cựu Ngoại trưởng Carr cho biết lập trường của Australia nên có sự cân bằng lợi ích giữa cái nhỏ và cái lớn.

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/-bo-tu-kim-cuong-ung-pho-trung-quoc-gap-nhieu-tro-ngai-a350120.html