'Bộ tứ' công nghệ Trung Quốc bay mất 60 tỷ USD vốn hóa

Bốn 'gã khổng lồ công nghệ' của Trung Quốc, gồm Alibaba, Baidu, JD.com, và Netease rơi rụng hơn 60 tỷ USD vốn hóa thị trường chỉ trong 3 ngày giao dịch vừa qua.

Vốn hóa của Alibaba giảm nhiều nhất trong "bộ tứ" công nghệ Trung Quốc với mức giảm lên tới 39 tỷ USD.

Cổ phiếu của 4 hãng công nghệ trên rớt đậm khi đối diện nguy cơ bị hủy niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Dữ liệu được kênh truyền hình CNBC tổng hợp từ Refinitiv Eikon cho thấy, tính đến cuối ngày giao dịch 26/3 tại Hong Kong, vốn hóa thị trường của 4 cổ phiếu trên đã trôi mất 468,64 tỷ đô la Hong Kong (tương đương khoảng 60,31 tỷ USD) trong 3 ngày giao dịch vừa qua. Trong đó, vốn hóa của Alibaba giảm nhiều nhất với 303,1 tỷ đô la Hong Kong (tương đương 39 tỷ USD), theo sau là Baidu (107,54 tỷ đô la Hong Kong), JD.com (30,674 tỷ đô la Hong Kong), và Netease (27,334 tỷ đô la Hong Kong).

Cả 4 "đại gia" công nghệ Trung Quốc đều niêm yết tại thị trường Mỹ và đồng thời niêm yết thứ cấp tại Hong Kong. Trong đó, "gã khổng lồ" tìm kiếm Baidu, vốn được coi như "Google của Trung Quốc" vừa hoàn tất thương vụ niêm yết thứ cấp rất mờ nhạt hồi đầu tuần tại Hong Kong. Cổ phiếu Baidu hôm 23/3 đóng cửa bằng giá chào bán ban đầu tại Hong Kong.

Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) hôm 24/3 đã thông qua một đạo luật có nguy cơ hất cẳng các doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn kiểm toán Mỹ khỏi các sàn giao dịch chứng khoán tại nước này.

Được biết, Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài đã được thông qua bởi chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump. Các công ty trong tầm ngắm của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ sẽ phải thực hiện kiếm toán dưới sự giám sát của Mỹ và cần phải chứng minh rằng họ không thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của một tổ chức chính phủ nào thuộc quyền tài phán của nước ngoài. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ cũng yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết phải liệt kê danh sách bất kỳ thành viên hội đồng quản trị nào là quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ngoài những thay đổi pháp lý ở Mỹ, các công ty công nghệ của Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với thách thức tiềm ẩn trong nước khi Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát đối với lĩnh vực công nghệ đang phát triển nhanh chóng, đồng thời thiết lập luật chống độc quyền trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) và thương mại điện tử.

Đầu tuần này, Reuters đưa tin người sáng lập Tập đoàn công nghệ Tencent đã gặp gỡ các quan chức chống độc quyền của Trung Quốc trong tháng 3 để thảo luận việc tuân thủ các quy định tại tập đoàn này.

Sau động thái "nắn gân" của Bắc Kinh vào năm ngoái, thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ant Group - thương vụ IPO được kỳ vọng lớn nhất thế giới - đã đột ngột bị trì hoãn chỉ vài ngày trước khi ra mắt. Ant Group do người sáng lập Tập đoàn Alibaba, tỷ phú Jack Ma điều hành.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc cũng như toàn cầu đang đứng trước áp lực lớn khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn đi lên và đà bán tháo cổ phiếu công nghệ vẫn chưa ngớt. Lợi suất trái phiếu tăng lên đã thiêu rụi đà tăng của các thị trường chứng khoán gần đây, đặc biệt là cổ phiếu công nghệ.

Hơn nữa, khi triển vọng hồi phục kinh tế toàn cầu sau đại dịch lạc quan hơn, các nhà đầu tư cũng dần bẻ lái danh mục đầu tư từ công nghệ sang các lĩnh vực khác như chứng khoán - loại tài sản được kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ khi nền kinh tế hồi phục.

Lê Quân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bo-tu-cong-nghe-trung-quoc-bay-mat-60-ty-usd-von-hoa-d140052.html